(HNM) - Các ban, ngành thành phố Hồ Chí Minh cùng với Bộ Giao thông - Vận tải vừa triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Đây được coi là bước đi chính thức đầu tiên, khởi đầu cho việc kiểm soát khí thải từ loại xe vốn là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm của hoạt động giao thông.
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có gần 7,9 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 730.000 ô tô và 7,15 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%), cùng khoảng 2 triệu phương tiện có biển số ngoại tỉnh. Kết quả quan trắc môi trường tại thành phố cho thấy, nguồn phát thải từ xe máy ra môi trường rất lớn. Nguồn khí thải này chứa hàm lượng cao các chất độc hại. Người đi đường hít loại khí bị ô nhiễm này trong thời gian dài có thể gặp các chứng bệnh về hô hấp, tim mạch...
Hiện rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Đáng nói, tình trạng xe máy cũ nát, thải khói đen kịt trên các tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người dân thắc mắc là việc kiểm định khí thải xe máy, kiểm soát lượng xe máy "hết đát" này bằng cách nào?
Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về phát triển giao thông đô thị cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh nên sớm đưa ra chính sách kiểm định khí thải xe máy và thu hồi lượng lớn xe máy không đạt yêu cầu kỹ thuật đang lưu hành. Muốn làm được điều này, ngành Giao thông thành phố cần có các quy chuẩn cụ thể về tiêu chuẩn khí thải phù hợp với mô tô, xe máy đang lưu hành.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh), thành phố nên sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với xe máy. Theo đó, xe máy cũng phải đưa vào kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng. Đối với xe máy đã quá hạn sử dụng cần được Nhà nước thu hồi lại với một giá chấp nhận được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song đó, ngành Giao thông thành phố phải có chính sách hỗ trợ mua hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng người nghèo.
Để làm được điều này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Sở đã phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), ký kết thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Cụ thể, các bên sẽ hợp tác đánh giá hiện trạng phát thải xe máy đang lưu hành và khảo sát, đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan.
Cùng với đó, tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các cơ quan, ban, ngành có liên quan. Trên cơ sở đó thống nhất các giải pháp và chính sách cho việc thí điểm kiểm định khí thải xe máy trong thời gian sớm nhất. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay, với xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên.