(HNM) - Đốt rác bừa bãi không chỉ tác động xấu đến môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của cộng đồng. Vì thế, việc ngăn chặn tình trạng này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương. Mặt khác, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường…
Bức xúc vì ô nhiễm
Trong quá trình khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) - địa phương có nghề làm chăn, ga, gối, đệm - chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về việc, từ 22h hôm trước đến 2-3h sáng hôm sau là thời điểm thường xuất hiện các xe ô tô tải nhỏ chở rác đến bờ sông Nhuệ để đốt trộm. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được xử lý.
Về thực trạng này, ông Nguyễn Huy Hùng ở xã Tiền Phong bất bình nói: “Mỗi ngày, bên bờ sông Nhuệ và một số thửa ruộng đều có rác thải làng nghề là bông, xốp, vải vụn... bị đốt. Khói rác bủa vây, không khí bị ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân”…
Trong khi đó, người dân xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) lại chịu nỗi khổ từ xã giáp ranh khi người dân ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đốt dây điện để lấy kim loại. Người dân nơi đây phải hứng khói bụi, hít khí thải độc hại hằng ngày. Thậm chí, muốn có giấc ngủ yên, nhiều người dân ở đây phải đeo khẩu trang…
Qua khảo sát cho thấy, tình trạng đốt rác thải tồn tại khá phổ biến, đặc biệt ở các địa phương có nghề truyền thống như những xã: Phú Yên (huyện Phú Xuyên), Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Trường Yên (huyện Chương Mỹ), Long Xuyên (huyện Phúc Thọ)…
Thừa nhận thực tế ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Dương Ngọc Minh lý giải, xã có khoảng 2.000 hộ làm nghề chăn ga, gối, đệm, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 2 tấn rác. UBND xã đã giới thiệu các doanh nghiệp có chức năng xử lý rác thải công nghiệp với người dân để họ thuê doanh nghiệp thu gom.
Tuy nhiên, người dân cho rằng giá thành thu gom cao (4.000 đồng/kg), nên đã tự thuê người vận chuyển xử lý. “Rất có thể, nhóm người này đã mang rác đi đổ và đốt trộm khắp nơi trên địa bàn”, ông Dương Ngọc Minh nhận định…
Lý giải việc trên địa bàn xã có hiện tượng đốt rác, ông Trần Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Do bãi rác nằm xa khu dân cư nên một số đối tượng đã mang rác công nghiệp đến đốt. Thời gian đốt chủ yếu vào ban đêm và các đối tượng thường chọn đốt ở khu vực giáp ranh nên rất khó xử lý...”.
Nhận định về nguyên nhân gây ra việc đốt rác trên địa bàn thành phố, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, nhận thức của một số người dân về thành phần rác, tác hại của việc đốt rác còn hạn chế. Phần lớn người dân chưa phân biệt sự khác nhau giữa rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt nên không rõ mức độ nguy hại của việc đốt rác. Trong khi đó, nhiều làng nghề lại chưa xây dựng riêng bãi chứa rác thải công nghiệp...
Về công tác quản lý, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh, khi phát hiện đối tượng đốt rác, phần lớn các xã, thị trấn chỉ nhắc nhở mà không xử lý; còn doanh nghiệp đang làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt lại lấy lý do không có chức năng vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp và từ chối đề nghị của người dân…
Tập trung ngăn chặn
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp; trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp môi trường ngăn chặn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề… Cùng với đó, thành phố xây dựng chế tài xử phạt nặng cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm; ban hành định mức giá thu rác thải làng nghề…
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Dương Ngọc Minh cho biết: “Xã Tiền Phong đã tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc đốt rác, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, hộ làm nghề ký cam kết không đốt rác, xả rác thải bừa bãi. Cùng với đó, xã đã thành lập Đội bảo vệ môi trường để chốt, chặn các tuyến đường, khu vực thường xuyên bị đổ và đốt trộm rác; ký quy chế phối hợp với các địa phương giáp ranh để đấu tranh với hành vi gây ô nhiễm môi trường...”.
Bí thư Đảng ủy xã Trường Yên Trần Văn Hiển nêu quan điểm: “Vì vậy, xã đã giao lực lượng công an phối hợp bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải với công ty môi trường, xã sẽ đề nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh, chấm dứt hợp đồng cho thuê đất…”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn khẳng định, huyện đã giao trách nhiệm cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy giám sát công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn, nếu để xảy ra tình trạng đổ, đốt rác trộm, lãnh đạo xã, thị trấn phải dọn khối lượng rác thải phát sinh đó...
Thiết nghĩ, những giải pháp nêu trên là không mới so với quy định hiện hành trong bảo vệ môi trường. Để ngăn chặn triệt để tình trạng nêu trên, các cấp chính quyền cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nguồn thải, bảo vệ môi trường; bố trí kinh phí xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại…
Đặc biệt, các địa phương cần xử lý nghiêm những chủ thể có phát sinh rác thải công nghiệp nhưng không ký hợp đồng với doanh nghiệp môi trường vận chuyển, xử lý rác đúng quy định…