Chuyên gia nhận định, các đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc sẽ tập trung trong tháng 1 và 2-2021. Đồng thời, Nam Bộ và Tây Nguyên có thể trải qua một mùa khô có nhiều đợt mưa trái mùa.
Miền Bắc vừa trải qua 3 đợt không khí lạnh đầu mùa thu đông năm nay. Dù mới chỉ bước vào thời kỳ đầu của mùa thu, thời tiết tại miền Bắc đã diễn biến xấu khi đi kèm với nền nhiệt giảm là các đợt mưa dông kéo dài nhiều ngày.
Chuyên gia khí tượng nhận định, diễn biến thời tiết cả nước có xu hướng cực đoan dịp cuối năm với nhiều loại hình thiên tai phức tạp.
Tác động của La Nina khiến thời tiết diễn biến xấu
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), thời tiết trên toàn quốc diễn biến phức tạp hơn dịp cuối năm do tác động của La Nina. Đây là trạng thái nước biển lạnh hơn một cách bất thường, trái ngược với El Nino.
Vị chuyên gia này cho biết, trong các năm La Nina, thời tiết nước ta diễn biến cực đoan hơn, có thể khái quát vào 3 đặc điểm chính liên quan đến mùa đông ở miền Bắc, mùa bão dịp cuối năm và mùa khô ở Nam Bộ.
Thứ nhất, vào các năm xuất hiện La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình mùa thu đông ở xấp xỉ hoặc thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Chuyên gia khí tượng nhận định, người dân miền Bắc có thể trải qua một mùa đông lạnh hơn nhiều năm và ghi nhận nhiều đợt rét đậm, rét hại.
Thứ hai, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn bình thường, mùa bão kéo dài về những tháng cuối năm.
Ông Hòa nhận định, từ nay đến cuối năm, 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Thứ ba, mưa có xu hướng gia tăng so với trung bình nhiều năm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Đáng lưu ý, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong thời kỳ mùa khô thường xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn.
Trong những tháng đầu năm 2021, xoáy thuận nhiệt đới vẫn có khả năng xuất hiện ở phía nam Biển Đông và ảnh hưởng đến thời tiết Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Ngoài ra, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu cho biết, sang tháng 10, không khí lạnh có xu hướng hoạt động gia tăng về tần suất và kết hợp với các hình thái khác như xoáy thuận nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, nhiễu động gió đông trên cao gây ra các đợt mưa lớn dồn dập tại miền Trung. Người dân các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cần đặc biệt lưu ý đến các đợt mưa lớn trong các tháng 10, 11.
Rét đậm, rét hại tập trung vào đầu năm 2021
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), những hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, rét đậm, rét hại chỉ được dự báo trước 10 ngày. Trong khi đó, các hiện tượng nguy hiểm như tuyết, băng giá, sương muối chỉ có thể cảnh báo trước thời điểm xảy ra 1-3 ngày.
Do đó, ông Hưởng cho rằng, còn quá sớm để nhận định về nền nhiệt thấp kỷ lục trong mùa đông năm nay tại miền Bắc. Nhưng nhận định ban đầu cho thấy, rét đậm và rét hại sẽ tập trung vào các tháng 1 và 2-2021.
Riêng các tháng 11, 12-2020, nhiệt độ toàn quốc phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,5-1 độ C.
Ngoài nhiệt độ, lượng mưa trong những tháng cuối năm cũng là yếu tố được chuyên gia lưu ý. Từ tháng 10 đến tháng 11, lượng mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 15-30%. Riêng tháng 11, Tây Nguyên có tổng lượng mưa cao hơn nhiều năm 30-50%.
Từ nay đến cuối năm, 2-3 đợt lũ lớn có khả năng xuất hiện trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Đỉnh lũ trên các sông ở khu vực này có thể cao hơn năm 2019.
Chuyên gia cảnh báo người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin thời tiết cảnh báo về không khí lạnh và mưa lũ. Với những hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại gây sương muối và băng giá, cơ quan khí tượng sẽ cảnh báo trước ít nhất 1-3 ngày để người dân chủ động ứng phó trong canh tác, nuôi trồng, sinh hoạt.