(HNMO) - Tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp tại các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn diễn ra và sẽ nhiều hơn sau những ngày thu hoạch vụ lúa mùa năm 2020. Do vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt với hệ thống giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành, địa phương và người dân để giải quyết dứt điểm.
Vì sao còn tình trạng đốt rơm rạ?
Hiện nay, các huyện ngoại thành Hà Nội đang bước vào vụ thu hoạch lúa mùa 2020, hiện tượng người dân đốt rơm rạ đã xuất hiện ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín), các xã: Thanh Xuân, Phú Cường, Phú Ninh (huyện Sóc Sơn), các xã: Phúc Lâm, Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức)...
Bà Nguyễn Thị Liên, người dân xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) bức xúc: “Rõ ràng, việc đốt rơm rạ gây nhiều tác hại cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để”.
Trao đổi về việc này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Đào Thị Quỳnh cho biết, hạn chế lớn nhất là nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường. Bên cạnh đó, do thu nhập của một số hộ dân còn thấp nên chưa tự đầu tư kinh phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học…
Cũng về vấn đề này, đại diện Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ cho rằng, do việc sử dụng rơm rạ làm đầu vào cho các loại hình sản xuất chưa nhiều, chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, giá thể trồng nấm…, dẫn đến tồn đọng khối lượng lớn rơm rạ sau thu hoạch… Mặt khác, chế tài xử lý người đốt rơm rạ hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đánh giá, so với những năm trước, tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành đã giảm. Cụ thể, trong vụ lúa xuân 2020, tình trạng đốt rơm rạ ở huyện Quốc Oai giảm 15%, huyện Đan Phượng và Sóc Sơn cùng giảm 20%, riêng Đông Anh giảm 25%...
Tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn tiếp diễn, do đó, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc triển khai các giải pháp mạnh mẽ mới có thể kéo giảm tình trạng này.
Cần những giải pháp quyết liệt
Với quyết tâm nâng cao chất lượng môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô, ngày 18-9-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường và sức khỏe. Huyện đã giao các hội nông dân và phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức cho hội viên, đoàn viên ký cam kết không đốt rơm rạ; đăng ký xây dựng mô hình thu gom và xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ, làm nguyên liệu che phủ cho các vùng trồng cam, bưởi, giá thể trồng nấm…
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh Phạm Thị Bích Liên thông tin, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đến từng xã để tập huấn, hướng dẫn người dân các phương pháp ủ hoai mục, sử dụng chế phẩm sinh học làm nát rơm rạ ngay tại đồng ruộng.
Còn UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu các xã, thị trấn ký cam kết không đốt rơm rạ tới từng hộ sản xuất nông nghiệp. Sau khi ký cam kết, nếu hộ dân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, với mức phạt 1-2 triệu đồng/lần vi phạm. Đặc biệt, Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn...
Thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, một số xã của huyện Gia Lâm, như: Yên Thường, Phù Đổng, Lệ Chi, Văn Đức... xử lý rơm rạ bằng cách cày lấp xuống ruộng, phủ rau vụ đông. Một số xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ, như: Hữu Văn, Mỹ Lương, Đồng Phú… đã phối hợp với doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa để thu gom rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND, Chủ tịch UBND xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Phạm Văn Hải đề xuất cơ quan chức năng của huyện và thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua chế phẩm sinh học, giới thiệu doanh nghiệp sản xuất giấy, sản xuất viên đốt công nghiệp về thu mua rơm rạ cho nông dân...
Liên quan vấn đề trên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, từ năm 2020 thành phố không còn áp dụng chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Tuy nhiên, xét trên thực tế, để hoàn thành mục tiêu Chỉ thị 15/CT-UBND, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND thành phố khởi động lại chương trình hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học cho người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2020, Sở phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ làm phân bón cho nông dân.
“Việc hỗ trợ, sử dụng chế tài xử phạt chỉ là một phần, quan trọng nhất là phải làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân, có như vậy mới chấm dứt việc đốt rơm rạ…”, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.