(HNMO) - Sáng 29-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn họp bàn phương án ứng phó áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh lên. 7 giờ sáng 29-10, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 140km về phía Đông; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7 giờ ngày 30-10, tâm bão cách các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa khoảng 300km về phía Đông; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới...
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão nên từ gần sáng và ngày mai (30-10), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động. Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão nên từ ngày 30 đến 31-10, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to, tổng lượng mưa 300-400mm/đợt; riêng các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt. Từ ngày 31-10 đến 2-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt.
Ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo 44.968 thuyền trưởng các tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, đến 6 giờ sáng nay, trên các vùng biển bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão vẫn còn 741 tàu thuyền… Ngoài ra, trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão hiện có 144.111 ô lồng nuôi trồng thủy sản; 118 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, 72 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn định, dù cường độ của áp thấp nhiệt đới và bão không quá lớn nhưng nếu chủ quan thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, việc cấp thiết nhất hiện nay là phải kêu gọi các tàu thuyền đang nằm trong vùng nguy hiểm di chuyển vào khu vực an toàn và có phương án bảo vệ ngay ô lồng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Các địa phương phải kiên quyết di chuyển người ra khỏi lồng bè. Các tỉnh có thể cấm biển và các hoạt động du lịch trên biển ngay từ chiều tối nay; chú ý cảnh báo tàu thuyền vãng lai và du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, các tỉnh đặc biệt chú ý phương án phòng, chống ngập lụt, sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất. Chuẩn bị nhu yếu phẩm đề phòng úng ngập lâu dài, bảo đảm an toàn cho học sinh; bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện… Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kỹ thuật bảo đảm an toàn các hồ chứa, chằng chéo ô lồng nuôi trồng thủy sản trên biển…