Học hộ, thi hộ: Nhiều hệ lụy

05/01/2025 12:52

MTNN Tìm đến dịch vụ học hộ, thi hộ, nhiều sinh viên/học viên được cam kết có kết quả như ý nhưng sau đó chỉ là sự thất vọng...

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với tiểu phẩm Thi hộ lồng ghép tuyên truyền những hậu quả của việc học hộ, thi hộ trong chương trình tọa đàm về chuyên đề Văn hóa học đường với sinh viên thời đại 4.0. Ảnh: NTCC

Tìm đến dịch vụ học hộ, thi hộ, nhiều sinh viên/học viên được cam kết có kết quả như ý nhưng sau đó chỉ là sự thất vọng bởi điểm nhận về dưới trung bình, thậm chí bị “quỵt” tiền do giao dịch trực tuyến. Chưa kể, học hộ, thi hộ dù vì lý do gì đều để lại hệ lụy, nếu bị phát hiện người nhờ và người nhận học hộ/thi hộ còn bị xử lý theo quy định.

Nhờ người làm bài, chép bài thi

Tháng 6/2023, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) ban hành quyết định kỷ luật đối với 3 sinh viên thuộc khoa Quản trị kinh doanh. Trong số này, 2 sinh viên bị đuổi học, sinh viên còn lại bị đình chỉ một năm do vi phạm đi học thay, thi, kiểm tra thay người khác.

Tháng 8/2020, UBND huyện Tây Hòa (Phú Yên) đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông H.C.T., hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn vì có hành vi không trung thực, vi phạm đạo đức nghề giáo.

Theo kết quả xác minh của Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa, từ năm 2012 đến 2014, ông H.C.T. học lớp cử nhân Toán hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên. Từ năm 2014 đến 2016, ông T. học lớp cử nhân Quản lý giáo dục hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian học lớp cử nhân Toán, ông đã nhờ một giáo viên của trường THCS nơi ông khi đó đang làm Phó Hiệu trưởng làm bài kiểm tra hộ.

Các môn thi mà ông T. nhờ làm bài hộ gồm: Phân tích Logic, Xác suất thống kê. Những bài làm này được gửi qua cho một giáo viên khác chép giúp bài cho ông T. Sau khi lấy bằng đại học, ông H.C.T. được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng rồi sau đó luân chuyển sang trường khác. Trong bản tường trình, ông T. cho biết mình đã tham gia các buổi học, làm bài đầy đủ. Chỉ đến lúc kết thúc học phần, sức khỏe yếu sau ca phẫu thuật do bị tai nạn, mới nhờ người làm bài hộ và thi hộ.

Học hộ, thi hộ đã trở thành một dịch vụ. Trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật tổ chức tại điểm thi Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội vào tháng 7/2022, lực lượng công an đã phối hợp với hội đồng thi phát hiện thí sinh P.V.T. có dấu hiệu sử dụng chứng minh nhân dân giả để vào thi. Tại cơ quan chức năng, người này khai tên thật là V.D.H., 32 tuổi, được thuê đến thi hộ cho người có tên là P.V.T., số báo danh 361.xx với giá 4 triệu đồng.

Trong nhóm tìm người học hộ, thi hộ ở Đà Nẵng, một tài khoản ẩn danh đăng bài cần tìm người thi hộ tiếng Trung ở Trường Cao đẳng Y Dược Đà Nẵng với chú thích đi kèm “mình học liên thông nên thầy cô rất dễ”.

Thường các nhóm học hộ, thi hộ công khai chỉ có những bài đăng đơn giản với yêu cầu của bên thuê và chào hàng của bên nhận tham gia. Thỉnh thoảng, có những tải khoản đăng bài cảnh báo với “chính chủ” khi đã hoàn thành xong việc học hộ nhưng vẫn không được chuyển tiền thanh toán. Với những nhóm kín, dịch vụ sẽ được nâng cao hơn. Chẳng hạn như trong các nhóm kín, người thuê có thể kiểm tra mức độ uy tín của người cung cấp dịch vụ mà sinh viên hay gọi là “check scam”.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tham gia Hội nghị sinh viên nội trú năm học 2024 - 2025, trong đó có ý kiến đề xuất để đảm bảo thời gian tự học của sinh viên tại ký túc xá. Ảnh: NTCC

Trái đắng

Tháng 1/2024, Công an tỉnh Thái Nguyên xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 32 triệu đồng đối với 2 sinh viên thuộc cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên. Theo đó, từ tháng 8/2023 đến tháng 12/2023, L.N.H. đã thuê N.V.P. học hộ, thi hộ cho mình 3 môn với tiền công là 1 triệu đồng/môn.

N.V.P. khai tại cơ quan công an là thấy việc đi học hộ, thi thay cũng dễ và có tiền công nên đã nhận lời. Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với nhà trường để ngăn chặn hành vi thi thay của N.V.P. và ra quyết định xử phạt mỗi sinh viên 16 triệu đồng về hành vi nhờ người thi hộ và thi thay người khác.

Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã thu hồi quyết định kết nạp Đảng của cô N.T.H.P. - giảng viên khoa Luật vào tháng 12/2021. Theo kết quả xác minh, cô N.T.H.P. đã nhờ một sinh viên năm cuối của trường thi hộ kỳ thi được tổ chức ngày 2/4/2021 để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2. Chứng chỉ này của giảng viên P. sau đó được Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng thu hồi. Cô N.T.H.P. phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và đình chỉ giảng dạy 1 năm.

Trên diễn đàn Cộng đồng sinh viên Trường Đại học Nông lâm TPHCM có bài viết kể về trường hợp nữ sinh bị trừ điểm oan do người lạ vào lớp học hộ nhưng khi điểm danh thì lại đọc họ tên trùng với một bạn nữ đang học trong lớp. Điều đáng nói, sinh viên trong vai người đi học hộ đã không hề lên tiếng đính chính. Cuối tiết học, bạn nữ bị đọc trùng tên phải ở lại gặp giảng viên để tiếp tục giải thích và xin không bị trừ điểm.

Tài khoản có tên A. cho biết: “Sinh viên học hộ là sai nên không dám nhận lỗi, để ảnh hưởng đến người khác. Chỉ vì số tiền học hộ vài trăm nghìn mà hành xử thiếu văn hóa, nói nặng hơn là gian dối chồng gian dối, sai rồi lại sai, cố tình qua mặt giảng viên và toàn thể sinh viên lớp học”. Theo đó, trong khi nghe giảng bài, nữ sinh viên đi học hộ có hành động khiến giảng viên chú ý nên đã yêu cầu cả lớp đọc tên, đối chiếu danh sách lớp để điểm danh.

Nhiều trường hợp nhận học hộ, điểm danh hộ nhưng không thực hiện. Tài khoản tên Thảo Linh đăng trên nhóm học hộ, thi hộ và hỗ trợ học tập uy tín giá rẻ Đà Nẵng cảnh báo về một tài khoản tên Mỹ Hạnh.

Theo đó, tài khoản tên Mỹ Hạnh đã nhận đi học hộ tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng ở đường Lương Nhữ Hộc nhưng sau đó không đến lớp điểm danh cũng không thông báo lại cho “chính chủ”. Bài đăng có nhiều bình luận “tố” tài khoản có tên Mỹ Hạnh không có “trách nhiệm” khi nhận đi học hộ, thậm chí “thuê lại” người khác học hộ không thanh toán tiền.

Trên các nhóm kín liên quan đến học hộ, thi hộ, nhiều tài khoản đã kể về những “trải nghiệm tệ hại” của mình khi sử dụng dịch vụ nhờ người thi hộ. Tài khoản Minh A. cho biết đã nhờ người thi môn Kinh tế vi mô với mức phí 500 nghìn đồng. Người cung cấp dịch vụ cam kết điểm bài thi sẽ trên 8 điểm. Sau buổi thi, A. chuyển trả trước 200 nghìn đồng; số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi có điểm thi. Thế nhưng, “khi vào hệ thống xem điểm, mình chỉ được 4,4 điểm, không đạt mức điểm trên trung bình như cam kết của bạn nhận thi hộ”.

Thông tin cung và cầu học hộ, thi hộ trên mạng xã hội không khó tìm.

“Siết” kỷ luật phòng thi

Cuối tháng 5/2024, Trường Đại học Công Thương TPHCM phát cảnh báo đối với sinh viên toàn trường về tình trạng học hộ, thi hộ. Theo đó, từ đầu năm học 2023 - 2024 đến tháng 5/2024, nhà trường phát hiện hơn 20 trường hợp sinh viên học hộ, thi hộ.

Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng quy chế đào tạo tín chỉ và công tác sinh viên của nhà trường cũng như các quy định khác có liên quan của pháp luật, gây ra dư luận tiêu cực và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đào tạo. Vì vậy, nhà trường đã tiến hành rà soát và xử lý nghiêm, trong đó có nhiều trường hợp bị đuổi học.

Một số trường đại học khác như: Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Mở TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM... đã phát hiện nhiều trường hợp thi hộ và thành lập hội đồng xử lý kỷ luật buộc thôi học 1 năm đối với sinh viên vi phạm.

Để kiểm soát tình trạng học hộ, thi hộ, Trường Đại học Công Thương TPHCM đã triển khai một số biện pháp như: Tăng cường giám sát thi cử bằng cách lắp đặt hệ thống camera trong phòng thi và tổ chức cho Phòng Công tác sinh viên kiểm tra thường xuyên. Việc điểm danh được nhà trường sử dụng bằng camera, áp dụng thí điểm công nghệ nhận diện khuôn mặt để đảm bảo sinh viên tham gia thi đúng người. Ngoài ra, việc tổ chức phần nhiều các kỳ thi trắc nghiệm với camera giám sát từ xa cũng giúp giảm thiểu tình trạng thi hộ.

PGS.TS Đoàn Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết, đối với trường hợp thi hết môn, mỗi phòng thi đều có 2 giảng viên làm công tác coi thi. Sinh viên dự thi phải trình thẻ sinh viên, căn cước công dân để giảng viên đối chiếu. Với môn học có tổ chức báo cáo, thuyết trình…, nhà trường chủ trương tăng cường làm bài tập theo nhóm để vừa rèn các kỹ năng mềm cho sinh viên vừa hạn chế tình trạng làm bài hộ.

Ngoài ra, “giảng viên của nhà trường đều được tập huấn sử dụng ứng dụng Chat GPT và phần mềm đạo văn có bản quyền để kiểm tra khóa luận, báo cáo thực tập của sinh viên… Đây là những hỗ trợ giúp giảng viên phát hiện trường hợp gian lận trong quá trình học tập, rèn luyện, vừa đảm bảo công bằng khi đánh giá kết quả học tập cho sinh viên”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng thông tin.

Theo thống kê của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, các trường hợp thi hộ chủ yếu ở môn Tiếng Anh để đủ điều kiện tốt nghiệp. Để phòng ngừa trường hợp vi phạm, nhà trường đã xây dựng trang web trong đó nhập danh sách thi bằng hình ảnh, giúp Phòng Thanh tra giáo dục kiểm tra đột xuất 100% nhân dạng đối với sinh viên dự thi tiếng Anh đầu ra, kiểm tra đột xuất sinh viên có từ 2 môn thi trở lên trong cùng 1 ngày.

 

Nguồn giaoducthoidai.vn
Link bài gốc

https://giaoducthoidai.vn/hoc-ho-thi-ho-nhieu-he-luy-post713998.html

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bạn đọc quan tâm

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com