(HNMO) - Hiện tượng thiên nhiên này xuất hiện vào các tháng 9, 10 hằng năm tạo nên lớp mù bao phủ thành phố. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra đường.
Sáng 10-10, lớp mù bao phủ khắp khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh. Ở những nơi trống trải, lớp mù nặng hơn. Ở những nơi có cây xanh, lớp mù giảm hẳn.
Mù quang hóa là gì?
Giải thích về hiện tượng này, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho biết, mù quang hóa là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.
Theo ông Sơn, hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ vào các tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hằng năm, kéo dài trong khoảng 6 – 7 ngày.
Hiện tượng mù quang hóa là hiện tượng tự nhiên, diễn ra do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TP Hồ Chí Minh luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào làm sương mù xuất hiện.
Mù quang hóa gây hại thế nào?
Cũng theo ông Cao Tung Sơn, mù quáng hóa xuất hiện khi trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm ở lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.
Theo thông báo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Nhìn chung, nồng độ các chất ô nhiễm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Kết quả quan trắc trong thời gian diễn ra mù quang hóa từ ngày 3-9 đến 20-9-2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5). Đặc biệt, ngày 20-9, mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: Bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao.
Một phần nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí là do hoạt động của con người, nhất là tại các thành phố lớn như hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng.
Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, gồm hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống.
Thành phố vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, với khoảng 1.000 nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong khu vực dân cư, khí thải từ các hoạt động sản xuất này cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang xây dựng Đề án tổng thể về quan trắc chất lượng môi trường tại TP Hồ Chí Minh, bao gồm quan trắc không khí, nước mặt và nước dưới đất, dự kiến cuối năm 2019 sẽ thông qua và triển khai thực hiện vào năm 2020.
Hiện tượng mù quang hóa khiến người dân dễ gặp các bệnh về hô hấp và mắt. Các ban, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hạn chế ra khỏi nhà, tham gia giao thông hay các hoạt động ngoài trời.