(HNM) - Từ ngày 1-9-2019, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện việc cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính sẽ ngừng cấp kinh phí để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần trong khối cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Chủ trương này được đánh giá, dù là hành động nhỏ nhưng sẽ tạo sự chuyển biến lớn trong cộng đồng. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông:
Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần
Tôi rất đồng tình với chủ trương hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến tới chỉ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường theo chỉ đạo của UBND thành phố. Thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa", Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông đã tổ chức phát động phong trào "Phụ nữ Hà Đông nói không với rác thải nhựa" tới cán bộ, hội viên toàn quận, nhất là khối nữ tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Đông cùng những người tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ quận còn phát động phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng Quỹ "Thùng rác thân thiện"... Nhờ vậy, đến nay cán bộ, hội viên phụ nữ đã giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó là dùng làn nhựa đi chợ, đựng nước bằng bình thủy tinh... Tôi mong rằng, bằng những hành động cụ thể, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận tiếp tục chung tay chống rác thải nhựa; đồng thời là một tuyên truyền viên tích cực, gương mẫu cùng người thân thực hiện việc “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Bà Trần Thị Tuyết Lan, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng:
Cùng thay đổi thói quen cũ
UBND phường Nguyễn Du đã triển khai chủ trương cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần bằng thông báo cụ thể trong các cuộc họp giao ban, quán triệt tất cả cán bộ, nhân viên làm việc tại phường phải hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa nhỏ trong cơ quan. Tại các cuộc họp, UBND phường đã thực hiện sử dụng ấm chén sứ, bình đựng nước bằng thủy tinh. Tại các phòng làm việc, tất cả các cán bộ phường đã hưởng ứng việc sử dụng các bình nước có thể tích lớn, sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện với môi trường. UBND phường cũng thông báo đến các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư... thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần.
Tôi biết rằng, việc vận động, tuyên truyền này không thể làm tốt được ngay nhưng nếu tất cả cùng chung tay, ý thức được tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần thì sẽ thay đổi được thói quen cũ, có hành động cụ thể thực hiện hiệu quả.
Ông Vũ Đức Ty, Chủ tịch UBND xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên:
Bắt đầu từ những việc làm thiết thực
Thời gian qua, nhiều cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp... trên địa bàn Hà Nội đều sử dụng các chai nước bằng nhựa đóng sẵn. Vỏ chai sau khi sử dụng thải ra chính là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn đến nguy cơ "ô nhiễm trắng". Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa", đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, từ tháng 8-2019, xã đã triển khai bằng những việc làm thiết thực.
Cụ thể, Đảng ủy, UBND xã Bạch Hạ đã dừng việc sử dụng nước đóng chai nhựa dung tích nhỏ tại các cuộc họp, thay vào đó là uống nước chè tươi, lá vối... bằng ấm chén sứ, cốc thủy tinh. UBND xã cũng chỉ đạo 6/6 thôn, các trường học, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông khi đi chợ. Hy vọng, những việc làm tuy nhỏ nhưng về lâu dài sẽ góp phần giữ gìn được môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bà Trần Thị Hải Yến, chung cư Home City, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:
Lan tỏa đến người dân Thủ đô
Từ nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đến môi trường sống. Tại nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố, người mua hàng được phát miễn phí các "túi môi trường" làm bằng chất liệu an toàn, rau củ được bó bằng lá chuối... để khuyến khích người dân dần bỏ thói quen sử dụng túi ni lông. Ở nhiều quán cà phê, nhà hàng... chủ quán đã thay thế ống hút nhựa, cốc nhựa bằng những ống hút giấy, cốc thủy tinh... Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều người chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, hoặc cho đó là chuyện nhỏ, không liên quan đến bản thân mình.
Tôi tin rằng, với việc thực hiện tốt chủ trương hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của UBND thành phố tại các công sở, từ đây sẽ lan tỏa đến nhiều người dân Thủ đô. Mỗi người hãy có ý thức nói không với túi ni lông cùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, có như vậy thì những vật dụng này cũng sẽ dần không còn sản xuất và không lưu thông trên thị trường.