(HNM) - Từ ngày 4 đến 7-9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về điều khiển và tự động hóa (VCCA 2019) với nhiều nội dung liên quan các vấn đề của ngành tự động hóa trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Ông có thể cho biết những điểm đáng chú ý của Hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế về điều khiển và tự động hóa lần này?
- Hội nghị lần này có 2 hoạt động lớn. Thứ nhất là Diễn đàn doanh nghiệp diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9, quy tụ nhiều nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại diễn đàn, nhiều nội dung về công nghệ, thiết bị phục vụ và ứng dụng phát triển các sản phẩm mới, công nghệ cao sẽ được giới thiệu như: Tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, sáng tạo khởi nghiệp, robot và logistic, cùng các hoạt động tọa đàm, giao thương, giới thiệu sản phẩm… Thứ hai là hoạt động triển lãm diễn ra từ ngày 4 đến 7-9 với quy mô 300 gian hàng của hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, tại hội thảo lần này sẽ có hội đồng phản biện tại các tiểu ban để nâng cao chất lượng các báo cáo khoa học.
- Kỳ vọng của hội nghị lần này đối với các bên tham gia cũng như hoạt động của ngành tự động hóa nói chung như thế nào, thưa ông?
- Hội nghị lần này, với việc tăng số lượng doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia, tăng tỷ trọng yếu tố nước ngoài cũng như nâng cao chất lượng các báo cáo, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các bên kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường. Doanh nghiệp có thể tìm được đối tác tốt cả trong và ngoài nước, đặt hàng, mua sắm thiết bị. Các nhà quản lý tìm hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học để hoàn thiện cơ chế chính sách. Chẳng hạn, họ sẽ tìm cơ chế phù hợp khi tổ chức các đề tài, dự án khoa học, nhất là vấn đề tài chính, để nhà khoa học cảm thấy được tự do sáng tạo. Với chủ đề được chọn, chúng tôi muốn nhấn mạnh công nghệ tự động hóa là cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 mà biểu hiện cao nhất của tự động hóa là trí tuệ nhân tạo (AI).
- Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng tự động hóa ở Việt Nam nói chung và ở các doanh nghiệp nói riêng?
- Nhìn chung việc ứng dụng tự động hóa ở nước ta mới chỉ ở mức đơn giản, chưa phải là phổ biến, bởi phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, lợi nhuận thấp. Việc tiến hành tự động hóa đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng suất cao, sản lượng lớn. Một dây chuyền tự động hóa phải có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, thì mới đủ nguồn lực để tái đầu tư. Vì vậy, trước mắt, chúng ta cần tuyên truyền để doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư tự động hóa nhằm nâng cao năng suất, tạo giá trị thặng dư, giúp phát triển nhanh, bền vững. Việc đưa tự động hóa vào sản xuất cũng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn đầu tư cơ sở vật chất, máy móc đủ lớn. Quan trọng là đầu ra phải ổn định, thị phần tương đối tốt thì mới đủ sức hấp dẫn để thực hiện tự động hóa.
- Như vậy, mỗi loại hình hay quy mô doanh nghiệp cần có lộ trình tự động hóa khác nhau?
- Chắc chắn không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể ngay lập tức đưa tự động hóa vào sản xuất mà một số doanh nghiệp có tiềm lực sẽ đầu tư trước. Đó là những doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên, doanh thu từ vài trăm tỷ đồng. Các doanh nghiệp nhỏ hơn thì thực hiện những bước khởi đầu như chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở quy trình quản lý, thiết kế; mạng lưới phân phối sản phẩm, thì số hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt, có thể tự động hóa từng khâu một, bắt đầu đưa thiết bị tự động đơn giản vào những khâu năng suất lao động quá thấp, hoặc những khâu thao tác mang tính lặp đi lặp lại. Khi quy mô sản xuất lớn lên, có nguồn lực đầu tư thì đưa dây chuyền tự động hóa vào.
Trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với các nhà khoa học của các cơ quan nghiên cứu như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, các viện nghiên cứu của các bộ để từng bước tiến hành tự động hóa. Các doanh nghiệp mua dây chuyền tự động về thường mời các nhà khoa học, chuyên gia tới để vận hành đạt tính năng của nhà sản xuất, hoặc cải tiến dây chuyền để đạt yêu cầu nhất định.
- Theo ông, những lĩnh vực nào hiện đang ứng dụng công nghệ tự động hóa mạnh nhất tại Việt Nam?
- Hiện nước ta có 3 lĩnh vực tương đối mạnh trong tự động hóa. Thứ nhất là ngành sản xuất đồ uống; thứ hai là ngành điện tử, công nghệ thông tin, linh kiện phụ tùng và thứ ba là sản xuất ô tô, xe máy. Có thể kể đến các tên tuổi lớn như: Becamex hay Vinfast là điển hình cho lĩnh vực thứ ba với 300 robot công nghiệp đang hoạt động. Sở dĩ các lĩnh vực này ứng dụng nhiều nhất là do có đầu ra tương đối ổn định, thị trường lớn, doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư lớn và có điều kiện tiếp thu, làm chủ công nghệ rất thuận lợi. Ngoài ra, có doanh nghiệp không lớn, nhưng ứng dụng tự động hóa rất tốt.
- Trân trọng cảm ơn ông!