(HNMO) - Sáng 4-11, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) tổ chức hội nghị đánh giá ảnh hưởng của đốt rơm rạ tới môi trường và tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, sau hơn một tháng triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố, tình trạng đốt rơm rạ trong vụ mùa 2020 ở các huyện đã giảm mạnh, như: Gia Lâm giảm được 99%, Mỹ Đức 98%, Ứng Hòa 90%, Đông Anh 85%, Sóc Sơn 80%...
Có được kết quả này là do trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đốt rơm rạ; đồng thời, triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ nông dân thu gom, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ, chế biến thức ăn chăn nuôi, làm giá thể trồng nấm...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi đánh giá, tình trạng nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch đã giảm. Việc này góp phần giảm áp lực gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 11, chất lượng không khí được cải thiện hơn so với chu kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, qua kiểm tra, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng lén lút đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng; tỷ lệ đốt rơm rạ ở vụ xuân và vụ mùa giảm chưa đồng đều và giữa các quận, huyện, thị xã có sự chênh lệch lớn...
Để khắc phục triệt để tình trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố. Trong đó, đề nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân về tác hại của khói rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; xây dựng phương án, hỗ trợ kinh phí, cung cấp chế phẩm sinh học cho nông dân xử lý rơm rạ tại ruộng làm phân bón; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua rơm làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất chất đốt...
Đồng thời, các địa phương chỉ đạo lực lượng công an tăng cường tuần tra, phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm để xử phạt theo quy định của pháp luật. Mục tiêu từ ngày 1-1-2021 trở đi, xóa triệt để tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố. Sau thời gian trên, địa phương nào còn để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và rác thải trên địa bàn, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.