Núi lửa phun trào có thể là nguyên nhân khiến mặt trăng đột ngột "biến mất" vào năm 1110 Công nguyên, Live Science dẫn kết quả từ một nghiên cứu cho hay.
"Ở châu Âu, vào đêm 5-5-1110, mặt trăng xuất hiện ánh sáng rực rỡ vào buổi tối, nhưng sau đó ánh sáng của nó giảm dần và biến mất hoàn toàn trước mắt, bầu trời tối đen như mực", trích đoạn trong cuốn Biên niên sử Anglo-Saxon (hay còn gọi là biên niên sử Peterborough) cho biết.
Không phải bị mây che, cũng không phải mặt trăng bị khuất bởi bóng của trái đất, suốt nhiều thế kỷ sau, chưa ai đưa ra được lời giải thích hợp lý cho hiện tượng lạ đó.
Vậy điều gì đã khiến mặt trăng đột ngột "mất tích"? Theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Scientific Reports, lời giải cho việc biến mất bí ẩn của mặt trăng và những trận mưa áp đảo cả mùa hè trong năm đó có thể chính là núi lửa.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các lõi băng ở Greenland và Nam Cực - có "tuổi thọ" lâu đời giúp tiết lộ khí hậu toàn cầu lúc đó ra sao và loại thành phần nào đang hiện hữu trong không khí.
Kết quả cho thấy có thấy sự gia tăng của các sulfate aerosols (hay còn gọi là sol khí - một thành phần của tro núi lửa) trong cả hai lõi giữa năm 1108 và 1110 Công nguyên, cho thấy tầng bình lưu có sự phun trào của núi lửa.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy thêm bằng chứng về hoạt động của núi lửa trong các vòng cây có cùng thời kỳ, do chúng sẽ thay đổi độ dày tương ứng với các kiểu khí hậu khác nhau. Kết quả thể hiện rằng năm 1109 là một năm ẩm ướt, lạnh lẽo bất thường ở Tây Âu và khả năng cao hiện tượng thời tiết này xuất hiện do ảnh hưởng của tro bụi núi lửa.
"Nguồn gốc của những vụ phun trào này vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên, "nghi phạm" chính trong thời kỳ này là núi lửa Asama ở Nhật Bản", nhóm nghiên cứu viết.
Theo ghi chép, vụ phun trào núi Asama ở miền trung Nhật Bản bắt đầu vào cuối tháng 8-1108 và kéo dài đến tháng 10 cùng năm với sức tàn phá cực lớn.
Tuy nhiên, theo Sébastien Guillet - Trưởng nhóm nghiên cứu và là một nhà cổ khí hậu học tại đại học Geneva (Thụy Sĩ), sẽ cần thêm các nghiên cứu nữa để có lời giải chính xác cho lớp bụi phủ lên bầu trời châu Âu năm đó. Nhiều khả năng còn nhiều vụ phun trào khác chưa được khám phá và Asama không phải "thủ phạm" duy nhất.
Nghiên cứu mới đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hành tinh của chúng ta và những nền văn minh ngự trị. Một thảm họa tự nhiên ở bên kia thế giới có thể khiến cuộc sống của người dân cách xa hàng nghìn kilomét rơi vào hỗn loạn, thậm chí có thể khiến mặt trăng đột ngột "biến mất".