“Cứ mỗi lần tìm thấy, chắc chắn nơi đó có đồng đội mình đã nằm xuống là tôi lại tức tốc báo cho người thân của các đồng chí vào để đón các anh về với đất mẹ. Cảm xúc khi ấy thiêng liêng, khó tả lắm…”, cựu chiến binh Nguyễn Dũng trải lòng.
Người bạn thân đã mãi mãi ra đi
Xem video: Nỗi niềm đau đáu của người lính già về đồng đội
Hẹn gặp cựu chiến binh Nguyễn Dũng vào một chiều cuối tháng 7, khi tiết trời Hà Nội mưa như trút nước tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi đã được người lính già với mái tóc bạc, dáng người cao gầy kể về những hy sinh mất mát trong cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc.
Cựu chiến binh Nguyễn Dũng (SN 1953) trong một gia đình gốc Hà Thành có truyền thống yêu nước. Từ năm 1970 đến 1972, theo lệnh tổng động viên, hàng nghìn sinh viên các trường đại học lên đường nhập ngũ, bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường. Chàng sinh viên Nguyễn Dũng khoa chế tạo máy của trường đại học Bách khoa Hà Nội, khi ấy đã cùng với những người bạn lên đường nhập ngũ.
“Thời điểm đó là vào ngày 6/9/1971, hơn 3.000 cán bộ, sinh viên từ các trường cao đẳng, trung cấp tình nguyện lên đường nhập ngũ”, ông Nguyễn Dũng nhớ lại.
Chàng sinh viên Nguyễn Dũng là lính thông tin của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa 1972.
Cựu chiến binh Nguyễn Dũng chia sẻ: “Nhiệm vụ khi đó của tôi là dải dây, nối dây để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt. Cứ mỗi lần địch đánh phá, dây đứt ở đâu kể cả bên kia sông là chúng tôi lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ, bơi qua sông để nối lại dây, cuốn lại dây để tránh địch phát hiện thông tin liên lạc của mình”.
81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là 81 ngày đêm mà cựu chiến binh Nguyễn Dũng cùng các đồng đội kề vai, sát cánh cùng nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. “Đó là giai đoạn chiến tranh khốc liệt, biết bao người đồng chí đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ấy”, cựu chiến binh Nguyễn Dũng bùi ngùi.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cựu chiến binh Nguyễn Dũng không giấu nổi những giọt nước mắt khi nhắc về những ký ức thời chiến. Với ông đó là những ký ức đau thương mà ông không bao giờ muốn chiến tranh lặp lại.
Nhớ về kỷ niệm buồn của người bạn học cùng cấp 3 và học cùng trường đại học hy sinh, cựu chiến binh Nguyễn Dũng lén lau vội giọt nước mắt: “Sau khi nhập ngũ chiến đấu thì một người bạn của tôi học cùng lớp cấp 3 cũng học cùng trường đại học hy sinh vào năm 1972. Khi đó, chúng tôi chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, địch bắn phá ác liệt bạn tôi bị trúng bom, mất xác, ngày hôm ấy tôi được nhìn thấy máy bay đánh vào trận địa của bạn tôi. Bạn đã mãi mãi nằm lại đó”.
Năm 1975, khi nghe tin chiến thắng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, những người lính như cựu chiến binh Nguyễn Dũng chỉ thốt lên: “Hoà bình rồi, sống rồi” và sau đó họ cùng nhau tiếp tục thu dọn tàn tích, chôn cất đồng đội đã hy sinh.
Đau đáu tìm hài cốt liệt sĩ
Chiến tranh kết thúc, những người lính trẻ như Nguyễn Dũng lại được trở về miền Bắc, ông tiếp tục học tập và công tác tại trường đại học Bách khoa Hà Nội với vai trò là trưởng phòng thí nghiệm. Trở về từ chiến tranh, bản thân ông luôn cảm thấy nhớ và day dứt khi chưa tìm thấy hết được các liệt sĩ. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào công cuộc tìm kiếm thông tin, tư liệu để lần ra những manh mối tìm hài cốt liệt sĩ.
Hơn 20 năm qua, ông cùng những người đồng đội, người thân, bạn bè của mình đã tìm được khoảng 100 hài cốt liệt sĩ. Và mỗi lần khi đón hài cốt của các liệt sĩ về với đất mẹ là mỗi lần cảm xúc của ông lại lâng lâng khó tả.
Nhớ về quãng thời gian bắt tay vào tìm hài cốt liệt sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Dũng cho hay: “Thời điểm sau chiến tranh, tôi đã nghĩ đến việc sẽ tìm lại những đồng đội đã hy sinh, nhưng lúc đó phương tiện đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế chưa cho phép nên mãi sau này, khi đã đi làm và thường xuyên có những chuyến đi công tác ở các tỉnh thành là lúc tôi bắt đầu thu thập, tìm kiếm thông tin”.
Cựu chiến binh Nguyễn Dũng cho hay, việc tìm hài cốt liệt sĩ là tập hợp của cả một quá trình chứ không chỉ mỗi việc đến nơi đó đào và mang hài cốt về. Để tìm được những người đồng đội đã hy sinh, việc đầu tiên mà Nguyễn Dũng làm đó chính là tìm, tập hợp những người đồng đội đã từng chiến đấu nơi chiến trường.
“Chúng tôi mỗi người một nơi, để tìm lại những đồng đội còn sống, tôi thường dành thời gian đến các tỉnh, ra chợ quê tìm gặp những ông nào cũng tầm chạc tuổi mình bán rau, bán gà… may mắn là cũng gặp được những người đồng đội cùng vào sinh ra tử. Tìm được những đồng đội còn sống rồi, chúng tôi lại cùng nhau lục lại trí nhớ xem ngày còn ở chiến trường, các đồng đội thường hay nhắc nhau ví dụ: “Nhà tôi ở Quỳnh Lưu, nhà có ba anh em…”, khi ấy không ai nhắc đến cái chết, nhưng nói như vậy để những người có may mắn sống sót thì có thể về báo tin cho gia đình. Cùng nhau xác minh lại thông tin, chọn lọc, xử lý thông tin và khi có đầy đủ bằng chứng rồi thì mới tìm đến đúng nơi có hài cốt liệt sĩ”, cựu chiến binh Nguyễn Dũng nói.
Có những lần, ông và các đồng đội cùng vào trong Quảng Trị để tìm hài cốt, nhưng cũng có lần một mình ông khăn gói lên đường. “Chúng tôi ít khi báo với gia đình liệt sĩ đi cùng, bởi tôi sợ rằng khi vào tìm không đúng lại gieo thêm nỗi đau khổ cho gia đình liệt sĩ, khi tôi làm xong và xác minh chính xác thì sẽ thông báo cho gia đình vào đón liệt sĩ về”, cựu chiến binh Nguyễn Dũng trải lòng mình.
Cựu chiến binh Nguyễn Dũng chia sẻ: “Tôi còn nhớ có lần đưa được hài cốt một liệt sĩ từ trong Quảng Trị ra miền Bắc, khi ấy cả bố mẹ của liệt sĩ vẫn còn sống, họ đã vỡ oà cảm xúc khi nhìn thấy hài cốt của con sau bao năm xa cách. Giây phút đó thiêng liêng, cảm động và khiến những người tìm đồng đội như chúng tôi cảm thấy được an ủi phần nào vì ít nhiều mình đã làm được cho đồng đội mình”.
Dành toàn bộ thời gian, công sức đi tìm hài cốt đồng đội, nên cựu chiến binh đã tạm gác lại hạnh phúc riêng tư của cuộc đời mình. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt câu hỏi có phải vì ông còn nặng lòng với đồng đội nên đã tạm gác chuyện hạnh phúc gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Dũng chỉ xua tay và nhận phần không hay về mình: “Quay đi quay lại thì quá lứa nhỡ thì, rồi cảm thấy bản thân mình khó tính nên tôi đành ở vậy”. Nhưng, chúng tôi hiểu rằng, đằng sau câu nói ấy có lẽ người lính già ấy vẫn luôn đau đáu khi nghĩ về những đồng đội đã anh dũng hy sinh, để rồi cho đến tận giờ phút này, ông vẫn ngày đêm thu thập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Cựu chiến binh Nguyễn Dũng khiêm tốn, với ông để làm được điều đó không chỉ riêng cá nhân ông mà còn rất nhiều người thân bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp đã giúp đỡ ông trên con đường tìm lại đồng đội đã hy sinh của mình, ông cảm thấy biết ơn vì điều đó.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt của người lính già ấy nhìn về hướng xa xăm. Ông bảo: “Thời gian của chúng tôi không còn nhiều, rồi tôi cũng sẽ già đi, trí nhớ kém đi không còn nhớ được nhiều. Nên bây giờ còn nhớ được thì tôi tranh thủ ghi chép, tìm kiếm thêm thông tin về các đồng chí đồng đội đã hy sinh, xác minh thật nhanh nhưng cũng cần đảm bảo chính xác. Tôi có một ước nguyện là tìm được hết các hài cốt liệt sĩ về với đúng các gia đình, nhưng ước nguyện đó có lẽ khó thành vì ở nơi chiến trường khốc liệt ấy có biết bao đồng chí, đồng đội đã mãi mãi nằm lại. Tôi không dám hứa trước điều gì, nhưng còn sống ngày nào, còn khoẻ ngày nào thì ngày ấy tôi vẫn còn làm tiếp công việc dang dở, đó là tìm kiếm hài cốt đồng đội”.
Hoàng Bích – Mỹ Ngọc