Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước gây ô nhiễm môi trường
Theo báo cáo bổ sung, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) từ năm 2006 đến năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 có tổng doanh thu là 5.334 tỉ đồng.
Trong đó, tổng chi phí là 4.250 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.097 tỉ đồng. Nếu trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 61 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn còn hơn 1.000 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh này dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán.
Bãi rác Đa Phước (Nguồn ảnh: Lao động)
Sau gần 11 năm đi vào hoạt động (tính đến tháng 9-2017), trung bình mỗi năm VWS lãi gần 100 tỉ đồng.
Tỉ suất lợi nhuận trên tổng chi phí vận hành là 25,8% cũng được xác định là cao hơn rất nhiều so với tỉ suất lợi nhuận 3% được Công ty California Waste Soluttins, Inc (CWS) - công ty mẹ VWS căn cứ xây dựng đơn giá.
Từ báo cáo trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc TP.HCM ứng trước 9 triệu USD cho VWS là không cần thiết, không đúng Luật ngân sách nhà nước, không phù hợp với thực tế và là nguyên nhân quan trọng để VWS đạt được lợi nhuận lớn so với doanh thu và so với vốn chủ sở hữu.
Nếu như trong báo cáo, kiểm tra lần trước, Thanh tra Chính phủ xác định đơn giá xử lý rác ký kết giữa TP và VWS là 16,4 USD/tấn là cao thì nội dung báo cáo bổ sung lần này xác định thêm là đơn giá xử lý rác chưa có căn cứ pháp lý, không được cơ quan tài chính thẩm định...
Thanh tra Chính phủ cũng thống nhất với Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM khẩn trương đàm phán ký kết lại hợp đồng giao, nhận và xử lý rác, khắc phục triệt để các tồn tại như: đơn giá, xác định phương án tài chính theo đúng quy định pháp luật.
Nhiều bất cập trong quy trình xử lý rác ở bãi Đa Phước được phát hiện (Nguồn ảnh: Pháp luật TP. HCM)
-> Dân cư gần nhà máy Honda Việt Nam không ngừng kêu mùi khí thải
Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan (Sở Tài nguyên - môi trường TP, Sở Kế hoạch - đầu tư TP) trong việc đàm phán, báo cáo UBND TP quyết định về việc ký kết hợp đồng xử lý rác, về các nội dung không đúng quy định pháp luật, không đúng quy trình về đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn và việc ứng trước 9 triệu USD trái quy định cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thanh tra Chính phủ còn đề nghị nêu thêm vai trò của lãnh đạo UBND TP và các cá nhân chịu trách nhiệm trong xử lý vụ việc này.
Trước đó, như báo Tuổi trẻ đưa tin vào ngày 2/10 một số người dân đã phát hiện nước từ bãi rác Đa Phước tràn ra ngoài rạch Dơi rủi bọt và có màu lạ. Nhiều người dân cho rằng đây là nước thải từ bên trong được thải ra ngoài.
Điều đáng nói hơn cả đây không phải là lần đầu phát hiện tình trạng nước thải tràn ra bên ngoài khuôn viên bãi rác Đa Phước.
Vì thế đêm 2 đến sáng 3/10, hàng chục người dân Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM) đã kéo tới cổng khu xử lý rác Đa Phước (Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN - VWS). Trước tình hình đó, sáng ngày 3/10 lãnh đạo huyện Bình Chánh, Sở Tài nguyên - môi trường đã gặp trực tiếp người dân để nắm bắt thông tin.
Video: Ô nhiễm bãi rác Đa Phước liên quan gì đến biến đổi khí hậu? (Nguồn: VTC 14)
-> Lo ngại vấn đề môi trường, Quảng Ngãi quyết đóng cửa nhà máy xi măng