Rác thải tại TP HCM: Mỗi ngày có 9.000-9.500 tấn
TP.HCM được biết đến là một thành phố lớn, một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ có vị trí quan trọng của cả nước.
Ngoài ra còn là đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, lượng chất thải rắn phát sinh tại thành phố này cũng đang ngày một gia tăng. Do vậy, vấn đề xử lý rác thải và mùi hôi trên địa bàn là một trong những bài toán gây đau đầu cho các cấp lãnh đạo.
Theo ước tính của Sở TM&MT thành phố, năm 2017 tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.000-9.500 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày đêm, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Lượng chất thải nguy hại ước tính khoảng 150.000 tấn năm (trung bình 350-400 tấn/ngày), trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn (trung bình 17 tấn/ngày).
Chôn lấp vẫn là phương pháp xử lý rác phổ biến tại TP.HCM. (Ảnh: Zing.vn)
-> Cuộc sống "ngập" trong rác thải và mùi hôi của người dân bên dòng kênh "rác"
Dự báo cho thấy, tỉ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5-6%/năm. Cụ thể, vào năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và 2025 là 12.864 tấn/ngày); chất thải rắn công nghiệp của năm 2020 là 1.922 tấn/ngày và 2025 là 2.497 tấn/ngày; chất thải nguy hại sẽ tăng cỡ 8%/năm (2020 là 549 tấn/ngày và 2025 là 807 tấn/ngày); chất thải rắn y tế tăng 10%/năm (2020 là 30 tấn/ngày và 2025 là 50,5 tấn/ngày).
Những con số này có thể cho thấy phần nào sự gia tăng lượng rác thải tại TP HCM.
Trước áp lực gia tăng lượng rác khổng lồ này, TP.HCM đặt ra mục tiêu đến 2020, tỉ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.
Rác thải sẽ đi kèm với mùi hôi đó là điều tất yếu. Thực tế cho thấy mùi hôi thối từ rác thải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân.
Một chuyên gia hóa học có kinh nghiệm về xử lý ô nhiễm môi trường cho hay, không riêng gì rác thải, các mùi như mùi phân, mùi bùn, mùi phân hủy hữu cơ lâu ngày… cũng sinh ra nhiều khí H2S và mercaptans, chúng rất hôi và rất dễ phát tán đi xa và gây ô nhiễm cho người xung quanh.
Theo Sở TN&MT khoanh vùng và xác định có khả năng phát sinh mùi hôi thối từ rác thải lớn nhất ở Đa Phước (Bình Chánh).
Phun xịt chế phẩm nhằm giảm phát tán mùi ở bãi rác Đa Phước (Ảnh: Pháp luật TP HCM)
Cũng theo sở này, vấn đề ô nhiễm tại Đa Phước gồm có ba đơn vị có liên quan: Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước), Công ty Xử lý bùn Sài Gòn Xanh và đơn vị có chức năng xử lý chất thải hầm cầu Hòa Bình.
Trước các vấn nạn rác thải nói trên, UBND TP.HCM đã có nhiều quyết sách liên quan đến việc xử lý rác thải, mùi hôi cho thành phố. Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện đến năm 2025”.
Theo đó, bên cạnh việc xử lý lượng rác tăng thêm, UBND thành phố kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề công nghệ, nghiên cứu phương án đầu tư để xử lý cả lượng rác thải đã chôn lấp từ trước đến nay.
UBND TP HCM yêu cầu triển khai các giải pháp đồng bộ trong duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải; đề nghị các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ.
-> Sau mưa lũ, rác "bức tử" lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Video: Ô nhiễm bãi rác Đa Phước liên quan gì đến biến đổi khí hậu? (Nguồn: VTC 14)