Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (bão số 4), cách quần đảo Hoàng Sa 600km. Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những diễn biến xấu.
Tại buổi họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới diễn ra sáng 18-8, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to, trong đó Quảng Ninh mưa lớn trên toàn tỉnh.
Từ ngày 18 đến 19-8, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa phổ biến 50-150mm/24 giờ, có nơi trên 170mm/24 giờ. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An mưa phổ biến 30-70mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ. Từ chiều ngày 20-8 đến ngày 23-8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng.
Để ứng phó với những diễn biến của cơn bão, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17-8-2020 chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tập trung ứng phó với các cơn mưa lớn do bão gây ra, đặc biệt là lũ quét.
Ban Chỉ đạo cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo nhắn tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng khu vực Bắc Bộ từ ngày 17 đến 19-8; các nhà mạng đã tổ chức nhắn tin đến các khu vực có mưa lớn, nguy cơ cao (Tuyên Quang, Cao Bằng…).
Bộ Công an đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới; Bộ Ngoại giao đã gửi các nước trong khu vực đề nghị hỗ trợ và cho tàu thuyến tránh trú.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo nội dung Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17-8-2020.
Cụ thể, đối với các tỉnh ven biển, các địa phương nhanh chóng tập trung kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn; cử người canh gác các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa.
Riêng với hai tỉnh là Điện Biên và Quảng Ninh, ngoài công tác phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ trong những ngày vừa qua.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố phải tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình, diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo tại buổi họp, trong 2 ngày qua, mưa lớn đã gây ra lũ quét trên địa bàn huyện Nậm Pồ, ngập lụt tại Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ, gây thiệt hại 14 căn nhà; trong đó có 4 nhà và 4 phòng học bị cuốn trôi, 128 hộ dân thuộc xã Nậm Nhùn bị chia cắt...
Tương tự, tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mưa lớn và kéo dài trong hai ngày đã khiến 3 người bị thương; ngập lụt 3km quốc lộ 18 trên địa bàn phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; ngập lụt các tuyến giao thông nội bộ tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả; ngập lụt cục bộ tại một số điểm thuộc 8 huyện, thành phố thuộc tỉnh; 114ha lúa, hoa màu bị ngập, 73m kênh mương bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, vào hồi 8h13 ngày 18-8, một trận động đất 4,3 độ richter xảy ra tại vị trí 20,903 độ vĩ Bắc, 104,739 độ kinh Đông trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Sau đó là các đợt dư chấn liên tiếp với độ lớn từ 3,3-4,2 tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu.