(HNMO) - Ngày 16-8, Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 (AI4VN Summit 2019) đã diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với chủ đề “Đẩy mạnh hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo”, đây là một trong những diễn đàn lớn nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) được tổ chức tại nước ta trong năm nay.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng doanh nghiệp tham dự.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái AI
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, nắm bắt xu hướng phát triển nói chung, Bộ KH-CN đã có những tham mưu để phát triển công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xác định, công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Gần đây, Bộ tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy, nghiên cứu và ứng dụng AI.
“Sự kiện AI4VN 2019 là nơi kết nối, chia sẻ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực. Qua sự kiện này, các chuyên gia sẽ kết nối, trao đổi để AI phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái AI trong nước”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực giỏi toán học, đam mê công nghệ, thị trường 96 triệu dân liên kết với các khu vực, cùng các hiệp định kinh tế mới được ký kết, Việt Nam có nhiều thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.
Năm 2018, ngành công nghiệp này tăng trưởng hơn 70%, tương đương 200 tỷ USD, so với năm 2017. Bộ KH-ĐT xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn trong thời đại 4.0, cần thúc đẩy phát triển.
"Đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần bây giờ hoặc không bao giờ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, Bộ KH-ĐT có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có AI, như: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, khơi thông nguồn vốn cho AI qua các quỹ đầu tư trong nước, quốc tế; 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước đã cam kết đầu tư 425 triệu USD cho startup Việt trong 3 năm tới...
Thời gian tới, Bộ sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ dự án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia theo mô hình quốc tế, dự kiến khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối năm 2019.
AI sẽ là yếu tố phát triển đột phá trong thời gian tới
Tại sự kiện, các chuyên gia công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển AI. Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho rằng, nếu tận dụng tốt AI, Việt Nam có thể tiến một bước dài, bỏ qua giai đoạn phát triển mà những cường quốc từng trải qua. Đây cũng chính là cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Từ kinh nghiệm vận dụng AI tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh đề xuất một số ý tưởng hợp tác trong lĩnh vực AI giữa Việt Nam và Hàn Quốc như: Xây dựng Smart city (thành phố thông minh), điều mà Hàn Quốc đã thực hiện từ năm 2000 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ USD hay Smart factory (nhà máy thông minh), Smart farm (trang trại thông minh), Smart talent (đào tạo nhân lực AI)...
Ông Peter Vesterbacka, nhà đồng sáng lập Fun Academy và Rovio (Phần Lan), đồng thời là cha đẻ của trò chơi nổi tiếng Angry Birds, nhấn mạnh, con người chính là trung tâm, là nguồn lực trong quá trình phát triển AI. Nhưng con người không cạnh tranh với máy móc mà cần kết hợp với máy móc. Điều chúng ta cần làm là chuẩn bị kỹ năng để tiếp nhận những công việc sẽ có trong tương lai.
Ông Peter Vesterbacka nêu ra mô hình 3 chữ E: entertainment - education và enterpreneurship (giải trí - giáo dục - khởi nghiệp), được ứng dụng tại Phần Lan và mang lại hiệu quả. Cụ thể, hệ thống giáo dục cần có tính sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển. Tinh thần kinh doanh cũng cần được đẩy mạnh trong giới trẻ để bắt kịp sự vận động của thế giới.
Việt Nam không có lựa chọn, ngoài đi nhanh hơn về AI
Phát biểu tại Ngày hội AI4VN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các doanh nghiệp, người trẻ chung tay làm AI, vì nếu không nhanh thì cơ hội sẽ qua đi.
"Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học, mà là vấn đề kinh tế - xã hội để đưa Việt Nam phát triển", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đồng thời cảm ơn các diễn giả đã không chỉ đưa ra những khuyến nghị, bài học cho Việt Nam, mà còn động viên, giúp đỡ Việt Nam cùng phát triển công nghệ nói chung, AI nói riêng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khoa học công nghệ nói chung đã phát triển vượt bậc. Thế giới đã thay đổi, minh bạch hơn, kết nối hơn với mối liên kết giữa con người, máy móc, chính phủ, doanh nghiệp, trường học..., cùng nguồn lực dữ liệu lớn sẽ thúc đẩy AI phát triển.
Nhìn nhận Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước, Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn. Muốn vượt lên, công nghệ thông tin, khoa học, AI là công cụ mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng có thể qua đi".
Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng vì cộng đồng AI trong nước đã ra mắt được hội liên hiệp, kết nối giữa những người làm chuyên môn với cơ quan nhà nước, với thị trường. Nếu Việt Nam làm tốt điều này cũng là đóng góp chung cho AI thế giới.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với yêu cầu đổi mới giáo dục mà nhiều đại biểu đã đề xuất tại sự kiện. Việt Nam có thể đào tạo theo tầng, lớp, làm lan toả kiến thức cần thiết trước mắt.
"Vì Việt Nam là nước đi sau, nên tôi và các bạn, chúng ta phải nỗ lực hơn để không bị bỏ quá xa với bạn bè thế giới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
AI4VN Summit 2019 còn có các phiên hội thảo chuyên đề về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, ngân hàng… cũng như các thảo luận chuyên sâu về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhu cầu hình thành hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển tại Việt Nam.