Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy ngày 25.10 đã có buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân đảo để tìm hướng xử lý đất thải nông nghiệp, phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Tại buổi đối thoại, người dân đã đồng thuận cao phương án thu thu gom, xử lý đất thải nông nghiệp với hình thức thu phí với 6.000 đồng/100m2 của huyện Lý Sơn; đồng thời kiến nghị huyện tổ chức để người dân ký cam kết đóng phí đầy đủ, cũng như cam kết đổ phế thải xây dựng đúng nơi quy định.
Người dân cũng kiến nghị huyện nên có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp đổ đất thải nông nghiệp, phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; tăng tần suất thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, và hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn; huyện cần quy hoạch vị trí đổ dự trữ đất thải nông nghiệp…
Huyện đảo Lý Sơn có dân số khoảng 22.000 người, trong đó có khoảng 55% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với diện tích đất sản xuất trên 330ha. Hằng năm huyện đảo cung cấp ra thị trường khoảng 2.500 tấn tỏi, 71.000 tấn hành.
Với đặc thù của sản xuất hành tỏi của người dân Lý Sơn là dùng cát trắng phủ lên và thường xuyên thay lớp cát trắng này. Mỗi năm hoặc mỗi mùa vụ người dân phải thay lớp cát cũ dày khoảng 0,5-1 cm bằng lớp cát mới, hút từ biển vào, lớp cát thay ra không sử dụng.
Bình quân mỗi năm, cứ 1ha thì có khoảng 50m3 đất thải nông nghiệp, như vậy với hơn 330ha đất nông nghiệp thì khối lượng đất thải sản xuất nông nghiệp thải ra trong 1 năm khoảng hơn 16.000m3.
Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Lý Sơn đã phân bổ trên 300 triệu đồng phục vụ cho công tác thu gom, xử lý đất thải nông nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, cứ vào mùa chuẩn bị sản xuất nông nghiệp, người dân lại đem đất thải sản xuất nông nghiệp đổ ra đường. Để giải quyết tình trạng này, Huyện ủy Lý Sơn đã chỉ đạo và ban hành kết luận chỉ đạo UBND huyện xây dựng phương án thu gom, xử lý đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Theo phương án thu gom, tổng số điểm dùng để đổ đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện là 26 điểm với diện tích quy hoạch hơn 3.400m2, đảm bảo đổ đất thải sản xuất nông nghiệp cho 272ha; trong đó xã An Hải 18 điểm và xã An Vĩnh 8 điểm.
Tin, ảnh: Thạch Châu