Chiều 19.8, đại diện UBND tỉnh An Giang cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, thuộc xã Vĩnh Trường, H.An Phú và xã Châu Phong, TX.Tân Châu.
Trong quyết định, UBND tỉnh An Giang giao cho Sở TNMT tỉnh khoanh vùng có nguy cơ sạt lở rồi thiết lập hành lang an toàn. Ngoài ra, UBND H.An Phú và TX.Tân Châu theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời xử lý di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở.
Đồng thời, các cơ quan liên quan tuyên truyền thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người và các phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án… Đồng thời chuẩn bị vật tư xử lý cấp bách hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông và đường bờ trong đoạn được cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở.
Ông Lữ Cẩm Hường - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, nhận định: “Tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong, TX.Tân Châu đang ở mức độ đặc biệt nguy hiểm. Đây là tuyến đê bao bảo vệ sản xuất diện tích 3.500 ha vùng bắc kênh Vĩnh An, tuyến dân cư 3 ấp gồm: Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2 và Vĩnh Tường 1 và hơn 3.000 hộ dân sống ven tỉnh lộ 953.
Từ năm 2016 đến tháng 7.2019, khu vực bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong đã xảy ra 6 vụ sạt lở, 1 vụ răng nứt, với tổng chiều dài 1.124 mét, ảnh hưởng đời sống 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn”.
Theo kết quả quan trắc của Sở TNMT tỉnh cho thấy, đoạn sông Hậu qua xã Châu Phong sạt lở mạnh và liên tục trong nhiều năm liền, do địa hình vách lòng sông khá đứng. Nguyên nhân do sự phát triển bãi bồi phía bờ đối diện cồn Vĩnh Trường, làm dòng nước chảy qua khúc cua cong nên dòng nước chảy lệch và áp sát bờ gây xâm thực về phía bờ xã Châu Phong.
Theo ghi nhận của Sở TNMT tỉnh An Giang, sạt lở tại khu vực này sẽ còn diễn biến phức tạp, do kết cấu bờ yếu. Tại khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu giữa 2 con sông nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông và hố sâu -30m, chiều dài 130m, rộng 70m ở khu vực giữa sông có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.
Riêng tại H.An Phú các đê bao tiểu vùng xã Vĩnh Trường đã được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đây là tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn độc đạo, bao quanh cù lao Vĩnh Trường nhằm bảo vệ sản xuất cho diện tích 900 ha và gần 4.000 hộ dân sinh sống trong vùng.
Ngày 18.2.2017, tại xã Vĩnh Trường đã xảy ra sạt lở đê có đoạn dài 15m, ăn sâu vào đất liền 4m, vài hộ dân phải di dời khẩn cấp. Đến năm 2018, cũng tại nơi đây lại tiếp tục xảy ra 4 vụ sạt lở. Vụ sạt lở lớn nhất vào ngày 4.9.2018 có chiều dài gần 250m, ăn sâu vào đất liền 9m, khoét sâu vào mặt đê và lộ giao thông từ 2-3m.
Tô Văn