(HNMO) - Tính đến 6h ngày 7-5, toàn thế giới ghi nhận 3.810.785 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 264.021 trường hợp tử vong và 1.287.656 người đã hồi phục.
Ngày 6-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các nước cần hết sức thận trọng trong việc dỡ bỏ các hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, nếu không muốn đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm mới.
Trong một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, các quốc gia muốn dỡ bỏ hạn chế cần bảo đảm rằng họ có các biện pháp phù hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh như hệ thống theo dõi, truy vết nguồn lây hay các quy định về việc cách ly, đồng thời nên tiếp cận việc nới lỏng hạn chế theo từng giai đoạn.
Châu Mỹ
Ông Todd Hauptli, người đứng đầu Hiệp hội điều hành sân bay Mỹ cho biết các sân bay ở nước này cần khoản hỗ trợ ít nhất 10 tỷ USD từ chính phủ khi ngành hàng không đang phải đối mặt với những tổn thất ngày càng tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Reuters ngày 7-5 đưa tin, Phát ngôn viên của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - ông Otavio do Rego Barros (59 tuổi) - đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2. Ông Otavio do Rego Barros hiện đang được cách ly tại nhà và không có các triệu chứng của bệnh. Các nhân viên của ông cũng được cách ly tại nhà trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.
Trong ngày 6-5, số ca mắc mới Covid-19 tại Brazil tăng cao kỷ lục với 10.503 trường hợp dương tính được xác nhận, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 125.218, trong đó có 8.536 người đã tử vong.
Ngày 6-5, chính phủ Colombia cho biết đang chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai nhằm mở đường cho chính sách hỗ trợ các khu vực của nền kinh tế bị đóng cửa trong thời gian dài để ứng phó với dịch Covid-19. Tình trạng khẩn cấp về kinh tế, xã hội và môi trường cho phép tổng thống nước này ban hành các sắc lệnh mà không cần sự thông qua của Quốc hội trong trường hợp quốc gia Nam Mỹ phải đương đầu với khủng hoảng hoặc đe dọa về an ninh. Nước này hiện vẫn đang đặt dưới lệnh phong tỏa toàn quốc, dự kiến kéo dài đến ngày 25-5.
Châu Âu
Với 201.101 ca dương tính và 30.076 người tử vong, Anh hiện đã vượt Italia để trở thành quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất tại châu Âu và cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Reuters ngày 7-5 đưa tin, đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan và đối tác liên minh cơ sở đã đạt thỏa thuận hoãn cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 10-5 đến thời điểm khác thích hợp dưới hình thức bỏ phiếu qua bưu điện. Thời điểm tổ chức bầu cử đã gây ra một cuộc tranh cãi tại nước này khi PiS mong muốn việc bỏ phiếu sẽ được tổ chức theo đúng kế hoạch, bất chấp đại dịch Covid-19, trong khi phe đối lập cáo buộc đây là hành động đặt lợi ích chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng.
Ngày 6-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công bố kết thúc giai đoạn 1 của cuộc chiến chống đại dịch và bắt đầu các bước nới lỏng biện pháp hạn chế, song đồng thời cũng kích hoạt cơ chế “phanh khẩn cấp”, cho phép áp đặt trở lại các hạn chế trong trường hợp sự lây lan của dịch bệnh tăng lên. Thủ tướng A.Merkel cũng cho biết chính phủ Đức sẽ tung ra gói kích thích kinh tế vào tháng 6 tới trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch tại nước này được nhận định vẫn còn là chặng đường dài.
Ngày 6-5, sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các doanh nghiệp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo chính phủ sẽ gia hạn khoản hỗ trợ cho người dân làm việc trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật khi lệnh phong tỏa gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ. Ông chủ Điện Elysee cho biết, ngay cả khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, nhà hát sẽ tiếp tục phải đóng cửa, đồng thời các sự kiện văn hóa quy mô lớn cũng sẽ không được cấp phép cho đến cuối tháng 9.
Tại Nga, người đứng đầu Cơ quan giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Anna Popova đã đưa ra các khuyến nghị về dỡ bỏ các hạn chế được áp đặt tại nước này theo 3 giai đoạn, dựa trên một số chỉ số thực tế về tỷ lệ lây nhiễm, cơ sở vật chất về y tế và kết quả thực hiện các xét nghiệm trên diện rộng.