(HNMO) - Dịch Covid-19 đã đẩy ngành hàng không thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, thậm chí khiến nhiều hãng có nguy cơ phá sản.
Ngày 6-5, hãng hàng không Air Canada (hãng hàng không quốc gia Canada) trở thành cái tên mới nhất thông báo số lỗ “khủng” trong quý đầu năm 2020, lên tới 433 triệu USD (sau thuế), thay vì lãi 127 triệu USD như cùng kỳ năm 2019. Cùng với những thiệt hại trên thị trường chứng khoán, Air Canada ghi nhận lỗ ròng lên tới 1,049 tỷ USD.
Theo số liệu cập nhật của Statista (cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức), ngành hàng không toàn cầu đã mất khoảng 76,6 tỷ USD vì đại dịch, trong đó thiệt hại nặng nhất là các hãng ở khu vực châu Âu (mất 24,6 tỷ USD) và châu Á - Thái Bình Dương (mất 23,9 tỷ USD).
Hiện nay, nhiều hãng hàng không cũng được yêu cầu để trống hàng ghế giữa trên các máy bay thân hẹp, đồng nghĩa rằng khả năng chở khách sẽ giảm khoảng 1/3 so với thông thường.
Việc các hãng hàng không bị đình trệ và thua lỗ đã tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất máy bay. Mới đây, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã thông báo lỗ quý thứ hai liên tiếp, đồng thời cho biết sẽ cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động do thu hẹp quy mô xuất xưởng dòng máy bay 787 Dreamliner.
Tương tự, “đại gia” sản xuất máy bay châu Âu Airbus cũng công bố doanh thu sụt giảm 15,2% (tương đương 2 tỷ USD), xuống còn 10,6 tỷ euro, đem tới khoản lỗ tới 481 triệu euro trong quý I-2020 thay vì mức lãi 40 triệu euro như cùng kỳ năm 2019.
Kể từ đầu năm tới nay, Airbus cũng chỉ giao được hơn 60 máy bay cho khách hàng và chứng kiến lợi nhuận các mảng kinh doanh cốt lõi tụt tới 49%. Do thua lỗ, British Airways (Anh) - một trong những khách hàng lớn nhất của Airbus - đã buộc phải sa thải 30% nhân viên (khoảng 12.000 người).
Để ứng phó, bên cạnh việc tiết giảm các khoản chi không quan trọng, đồng thời cắt giảm đáng kể nhân lực trên toàn cầu, các nhà sản xuất máy bay cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch hoạt động.
Boeing đang bám sát kế hoạch giảm số máy bay sản xuất từ 14 xuống còn 12 máy bay mỗi tháng vào cuối năm 2020 và xuống mức 10 máy bay/tháng vào đầu năm 2021. Trong khi đó, Airbus cũng duy trì việc sản xuất ở ngưỡng 66% và sa thải hàng nghìn nhân viên ở nhiều nước.
Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury bi quan khi cảnh báo rằng, ngành công nghiệp hàng không có thể mất từ 3 tới 5 năm mới có thể khôi phục lại hoạt động như thời điểm trước dịch Covid-19.