(HNM) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 24-4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao tượng trưng khoản đóng góp 50.000 USD của Chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ Quỹ ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm góp phần chung tay phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Trong gần 3 tháng qua, Việt Nam đã kiên trì áp dụng các chính sách và biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 đúng đắn, hiệu quả, mang lại những kết quả đáng mừng khi dịch bệnh được kiểm soát với số ca lây nhiễm thấp, không có ca tử vong. Thành quả của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tiếp tục ghi nhận và đánh giá là hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong các bài viết của truyền thông quốc tế và phát biểu của nhiều chuyên gia đều nhận định, khi thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á có hàng nghìn ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì Việt Nam đã nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới. Dù có nguồn lực và nguồn y tế hạn chế, nhưng Việt Nam đã kìm hãm được một đại dịch toàn cầu đã gây khủng hoảng cho hệ thống y tế của nhiều quốc gia phát triển. Dư luận quốc tế đánh giá, chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam làm nên thành công này.
Trang mạng kommersant.ru của Nga ngày 23-4 đã có bài đánh giá cao hiệu quả mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam, cũng như nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác chống dịch ở khu vực Đông Nam Á với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo bài viết, mô hình chống dịch của Việt Nam là "có một không hai" vì Việt Nam giáp với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Các biện pháp cách ly xã hội chặt chẽ đã giúp quốc gia 95 triệu dân có đường biên giới chung với Trung Quốc này tránh được đại dịch.
Để tìm câu trả lời cho sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19, các hãng tin, báo lớn và có uy tín của Đức đã có những bài viết đánh giá cao chiến lược chống dịch của nước ta, coi đây là mô hình tham khảo cho các nước.
Trong bài viết trên trang tin Handelsblatt (Thương mại) ngày 22-4, tác giả đặt câu hỏi làm thế nào để Việt Nam chiến thắng một cách ngoạn mục trong cuộc chiến chống Covid-19. Câu trả lời nằm ở sự phản ứng từ rất sớm của các lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này. Việt Nam đã được đền đáp với quyết định hành động sớm của mình. Ngày 22-4, giới chức y tế quốc gia gần 100 triệu dân này đã thông báo ngày thứ 6 liên tiếp không có ca nhiễm mới nào. Tổng số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là 268 ca và không có trường hợp tử vong do dịch bệnh.
Với việc không có ca nhiễm mới nào vào ngày thứ 6 liên tiếp, ngày 23-4, Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Theo các chuyên gia quốc tế, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cùng với các lợi thế truyền thống có thể giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Giãn cách xã hội cũng đang giúp thúc đẩy quá trình từng bước chuyển đổi đất nước sang nền kinh tế số, được Chính phủ coi là trụ cột của sự tăng trưởng bền vững.
Nhiều chuyên gia, nhà quan sát đã theo dõi rất kỹ phương pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và chỉ ra rằng Việt Nam đã phản ứng rất thành công. Có được thành quả này chính là nhờ tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của Chính phủ và người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh, những biện pháp đối phó quyết liệt từ Chính phủ, sự ủng hộ và tuân thủ của người dân Việt Nam là chìa khóa thành công của quốc gia này trong kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 23-4, trang forbes.com ở Mỹ đã đăng bài viết của chuyên gia Mark Travers, cho thấy Việt Nam đứng đầu danh sách các quốc gia có đông đảo người dân ủng hộ cách ứng phó của Chính phủ đối với dịch Covid-19. Theo kết quả thăm dò của YouGov tại 26 quốc gia, 95% người dân Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đang xử lý đại dịch Covid-19 rất tốt hoặc tương đối tốt.
Khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy nếu có tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của Chính phủ và người dân thì một quốc gia có nguồn lực hạn chế vẫn có thể kiểm soát tốt đại dịch.