(HNMO) - Đúng 45 năm về trước, người dân Việt Nam đã chứng kiến thời khắc thiêng liêng của dân tộc khi đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà với thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975. Đây cũng bước khởi đầu cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong suốt hơn 4 thập kỷ để hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn lên phát triển mạnh mẽ nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chặng đường tái thiết, phát triển đất nước của cả dân tộc với không ít thử thách, chông gai đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và tạo nên dấu ấn của Việt Nam như một ngôi sao mới tại khu vực.
Tốc độ tăng trưởng hàng đầu
Vừa qua, trang CNN của Mỹ đã đăng tải bài viết về sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam với nhận định, vào năm 1975, Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm trong tâm thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Kể từ thời điểm đó, nền kinh tế đã chuyển đổi qua quá trình Đổi Mới được khởi xướng năm 1986. Hơn 45 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2002 - 2018 khi đất nước phát triển các ngành công nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Dệt may, nông nghiệp, chế biến gỗ và nội thất, du lịch, viễn thông…
Trang CNN cũng dẫn báo cáo của "ông lớn" công nghệ Google và công ty đầu tư Singapore Temasek mô tả, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - vốn đang tăng trưởng ở mức hơn 40%/năm - là “con rồng đang trỗi dậy”.
Hàng loạt định chế tài chính quốc tế tiêu biểu như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đánh giá kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á và nhìn rộng ra là cả châu Á.
Theo WB, sự phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ qua rất đáng chú ý. Đổi Mới năm 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần. Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình, là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2002 - 2008, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng 2,7 lần và đạt hơn 2.700 USD vào năm 2019. Dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP đã tăng 7,02% trong năm 2019 - tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất khu vực.
Tờ The Star của Malaysia gọi Việt Nam là “ngôi sao mới của ASEAN”. Việt Nam đã ký kết và thực thi 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên toàn cầu, nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vào tháng 6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ suy thoái, Việt Nam nổi bật với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định.
Chìa khóa cho sự tăng trưởng ấn tượng như vậy một phần nằm ở khả năng cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ Việt Nam đã có những động thái quyết liệt để thúc đẩy nền kinh tế, với việc ký kết các FTA thế hệ mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, ra mắt chính phủ điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp…
Điểm đến đầu tư đầy tiềm năng
Theo đánh giá của ADB, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019 do nhu cầu trong nước tăng, ngành sản xuất chế tạo và ngành công nghiệp gia công phát triển mạnh và mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao.
Giống như các quốc gia ASEAN khác, FDI rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Tờ The Nation của Thái Lan nhận xét, có 4 điểm nổi bật giúp Việt Nam thu hút đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài.
Thứ nhất, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như dầu khí, than đá, boxit, sắt, hải sản, thổ sản, và hai vùng đồng bằng màu mỡ ở miền Bắc và miền Nam.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào cho cả sản xuất trong nước và đầu tư nước ngoài. Hơn một nửa trong tổng số 95 triệu dân trong độ tuổi lao động. Người lao động Việt Nam còn được biết đến với tính kỷ luật và sự chăm chỉ.
Thứ ba, Việt Nam ổn định về chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Thứ tư, Việt Nam đã được công nhận về khả năng và kinh nghiệm tổ chức các hội nghị cấp toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hay được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên.
Hãng thông tấn Nga Regnum đã ca ngợi Việt Nam khi có bước nhảy vọt 15 bậc trên bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, vượt qua các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Singapore và Indonesia. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam đã tăng 10 điểm so với năm 2018 để đạt vị trí thứ 67 trong số 141 nền kinh tế được khảo sát, và là quốc gia có mức độ cải thiện lớn nhất.
Triển vọng tiếp tục rộng mở
Theo WB, trước sự hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm xuống còn 3-4% trong năm 2020 so với nhận định trước khủng hoảng là 6,5%. Dịch Covid-19 cũng cho thấy sự cần thiết phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp nền kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và nâng cao hiệu quả, hiệu suất đầu tư công.
Mặc dù vậy, trước tác động toàn cầu và toàn diện của dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành hình mẫu kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và vẫn được dự báo là một trong những nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh hàng đầu khu vực. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á 2020 của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm mạnh xuống mức 4,8% vào năm 2020 nhưng có thể tăng trở lại mức 6,8% vào năm 2021 nếu kiểm soát tốt dịch bệnh.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick chia sẻ, môi trường kinh doanh trong nước dự kiến sẽ được phục hồi nhanh chóng. Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thị trường, đồng thời giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Không chỉ sở hữu những thành quả và triển vọng ấn tượng trong phát triển kinh tế, tiếng nói của Việt Nam còn được cất lên mạnh mẽ trên các diễn đàn toàn cầu. Trong bài viết với tựa đề “Việt Nam dồn toàn lực tiến tới tương lai”, tờ Bangkok Post của Thái Lan khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng chứng tỏ năng lực của mình sau hơn 30 năm Đổi Mới. Việc cùng lúc nắm giữ hai vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy, năm 2020 là một năm quan trọng để Việt Nam thể hiện vai trò của một quốc gia có thể tham gia ngày càng nhiều vào các vấn đề khu vực và quốc tế.