Phát triển kháng thể đơn dòng tấn công mầm bệnh đã được chứng thực bởi rất nhiều nhà khoa học hàng đầu. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci từng đánh giá đây là “ván cược chắc thắng” trong việc chống lại COVID-19.
Khi vi rút vượt qua hàng phòng thủ ban đầu, cơ thể sẽ kích hoạt một cơ chế sản xuất hàng loạt tế bào nhắm vào đối tượng xâm nhập - trong đó có kháng thể nhận biết và khóa chặt vi rút, ngăn ngừa lây nhiễm.
Kháng thể đơn dòng là bản sao nhân tạo của kháng thể tự nhiên nêu trên, chỉ hướng tới vô hiệu hóa một loại mầm bệnh duy nhất. Các nhà khoa học thường thử nghiệm bệnh trên chuột rồi từ cơ thể chúng lấy kháng thể.
Giới nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu vai trò chính xác của kháng thể trong điều trị bệnh COVID-19, nhưng các hãng dược tin tưởng rằng kháng thể hay tổ hợp kháng thể phù hợp có thể có tác dụng.
Hãng Regeneron hiện phát triển một tổ hợp hai kháng thể được kỳ vọng giúp giảm nguy cơ “để xổng” vi rút, kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ có vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Giám đốc điều hành Christos Kyratsous cho biết: “Kháng thể ngăn chặn lây nhiễm là sự thật. Tuy vậy khả năng bảo vệ suy yếu theo thời gian, chúng tôi chưa thể xác định rõ liều lượng”.
Chính phủ Mỹ vào tháng 6 trao cho Regeneron hợp đồng cung cấp trị giá 450 triệu USD. Công ty cho biết họ sẵn sàng sản xuất ngay lập tức sau khi kháng thể được phê duyệt.
Hàng loạt đơn vị khác cũng tham gia cuộc đua: AstraZeneca chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm tổ hợp hai kháng thể trên người trong vài tuần tới, Eli Lilly - tập trung phát triển loại một kháng thể - đã thử nghiệm trên người hai ứng viên sản phẩm từ tháng 6.
Miễn dịch tức thời
Không giống vắc xin kích hoạt hệ miễn dịch, tác động của kháng thể nhân tạo truyền vào cơ thể sẽ mất dần. Nhưng kháng thể đơn dòng có thể đem lại sự bảo vệ tạm thời cho đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế hay người lớn tuổi, hay đóng vai trò phương pháp điều trị cho đến lúc vắc xin được phổ biến rộng rãi.
Phó chủ tịch công ty Vir Biotechnology (đơn vị hợp tác với GSK phát triển kháng thể) Phil Pang nhận định kháng thể có thể bảo vệ mọi người trong khoảng 6 tháng. Mark Brunswick, Phó chủ tịch hãng Sorrento Therapeutics cũng nhấn mạnh: “Ưu điểm của kháng thể là đem lại miễn dịch tức thời”.
Kháng thể đơn dòng có rủi ro thấp nhưng chi phí sản xuất khá cao: hơn 100.000 USD/năm. Ngoài ra giới khoa học cũng lo ngại COVID-19 kháng một số kháng thể nhất định.
Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature gần đây, nhóm nghiên cứu do giáo sư David Ho thuộc đại học Columbia dẫn đầu cho biết họ phát hiện một kháng thể tiềm năng, nhắm đến vùng vi rút bám lên tế bào người cũng như điểm gai vi rút chưa được chú ý trước đây. Theo giáo sư Ho: “Để tránh tình trạng kháng kháng thể, ta cần tấn công nhiều điểm”.
Cẩm Bình (theo Reuters)