(HNMO) - Ngày 4-8 đánh dấu cột mốc lịch sử khi toàn bộ 187 quốc gia thành viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chính thức phê chuẩn Công ước Lao động trẻ em nhằm đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi nạn bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức và xung đột vũ trang.
Reuters cùng ngày cho biết, được thông qua vào năm 1999, công ước này chính thức được hoàn tất quá trình phê chuẩn trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại cho rằng, sự bùng phát của đại dịch toàn cầu Covid-19 có thể đảo ngược những thành tựu đã đạt được trong 2 thập kỷ vừa qua của những nỗ lực chống lại sử dụng lao động trẻ em.
Trong tuyên bố liên quan, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder khẳng định, việc phê chuẩn Công ước Lao động trẻ em đồng nghĩa mọi trẻ em được bảo vệ hợp pháp và chống lại các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Công ước này đồng thời phản ánh một cam kết toàn cầu khẳng định nạn sử dụng lao động trẻ em như nô lệ, bóc lột tình dục, sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang hoặc các công việc bất hợp pháp và nguy hiểm khác… không thể tồn tại trong xã hội.
Theo thống kê của ILO, tổng số lao động trẻ em trên phạm vi toàn thế giới đã giảm từ 246 triệu xuống còn 152 triệu vào năm 2000. Khoảng 70% trẻ em là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và gần một nửa làm việc trong những môi trường nguy hiểm.
Dù vậy, hồi tháng 6 vừa qua, Liên hợp quốc vẫn cảnh báo, tiến trình toàn cầu trong nỗ lực giải quyết tình trạng lao động trẻ em đã chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt đối với trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến 11 và đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng của lao động trẻ em lần đầu tiên kể từ năm 2000.
Liên hợp quốc đặt mục tiêu chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025, là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được thông qua hồi năm 2015.