Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình vừa có công điện gửi các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Công điện nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tình hình an toàn giao thông (ATGT) sau 5 ngày kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cơ bản được bảo đảm tốt, số vụ nhập viện do tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên 15% so với cùng kỳ (theo Bộ Y tế).
Tuy nhiên, số người tử vong do TNGT trong 5 ngày tăng so với cùng kỳ năm 2019. Một số vụ TNGT điển hình như: Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại huyện EaKar, Đắk Lắk làm 3 người chết (do vi phạm nồng độ cồn); vụ lật thuyền Kayak tự chèo tại Quảng Ninh làm 1 du khách nước ngoài bị tử vong; vụ lật xe khách tại Phú Yên làm nhiều người bị thương.
Để bảo đảm trật tự ATGT trong những ngày còn lại, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và UBND các các địa phương huy động tối đa lực lượng công an, nòng cốt là cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng phải bố trí lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm trên cả các tuyến đường huyện và đường liên xã; tập trung xử nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; dừng xe đón trả khách trái quy định.
Có phương án điều tiết, phân luồng từ xa, kịp thời công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm hướng đi vào Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác.
Ngành giao thông vận tải (GTVT) duy trì chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt cho nhân dân trở về nơi làm việc; xử lý điều tiết, khắc phục kịp thời khi có sự cố, TNGT, không để ùn tắc giao thông kéo dài.
Đặc biệt, ngành GTVT phải yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp BOT thực hiện xả trạm cho phương tiện lưu thông khi xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại các trạm thu phí, xử phạt nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm.
Phó thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền quy định về ATGT đã uống rượu bia không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; mặc áo phao hoặc mang dụng cụ cứu sinh khi đi phương tiện thủy; quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt; tuyệt đối không lên xe, đò ngang khi không có chỗ ngồi theo quy định.
Các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ tăng cường công tác cứu chữa các nạn nhân bị tai nạn thương tích, nhất là các nạn nhân TNGT; kiểm tra nồng độ cồn và ma túy tất cả các nạn nhân TNGT vào cấp cứu tại cơ sở.
Về tình hình trật tự ATGT, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, ngày 27.1, tức mùng 3 Tết (tính từ 14 giờ ngày 26.1 đến 10 giờ sáng ngày 27.1), toàn quốc xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 19 người, bị thương 43 người. So với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi 2019, TNGT tăng 1 vụ (+3,1%), tăng 3 người chết (+18,7%) và tăng 3 người bị thương (+7,5%).
Như vậy, sau 5 ngày nghỉ Tết (từ 23-27.1), cả nước đã xảy ra 138 vụ TNGT, làm chết 102 người, bị thương 108 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 13 vụ (giảm 8,6%); tăng 12 người chết (tăng 13,3%); giảm 32 người bị thương (giảm 22,8%).
Sau 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, TNGT liên quan tới nồng độ cồn nói riêng giảm sâu so với các năm trước. Báo cáo của Bộ Y tế cho hay số ca cấp cứu do TNGT đã giảm trên 15%, riêng ngày mùng 3 Tết giảm gần 28%.
Ủy ban ATGT quốc gia đang đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Bộ Y tế phân tích đánh giá nguyên nhân về các vụ TNGT và lý do dẫn đến việc gia tăng TNGT đột biến trong những ngày nêu trên, cập nhật vào các báo cáo tiếp theo, để làm căn cứ các giải pháp kịp thời trong thời gian tới.
Lam Thanh