Nông dân đứng ngồi không yên
Mấy ngày tết vừa qua là những ngày nặng nề của gia đình ông Võ Văn Tước (55 tuổi) ở ấp Tân Dương, xã Tân Thành, H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Bình Tân là huyện chuyên trồng khoai lang tím xuất khẩu lớn nhất ở miền Tây. Ở “rốn” khoai của miền Tây, ông Tước bén duyên với khoai lang tím từ hơn 40 năm trước. Nhà có hơn 5 héc-ta đất, ông chuyên dùng để trồng khoai bao năm qua.
“Trước tết, giá khoai lang thương lái mua vô là 430.000 đồng/tạ (60 kg- PV). Tết mới được mấy ngày, nghe con coronavirus nó hành, mấy cửa khẩu đóng, hàng xuất đi không được thương lái điện cho tôi báo mua với giá 260.000 đồng/tạ. Giá này là cầm chắc lỗ, những người đi thuê đất trồng khoai lang thì lỗ nặng luôn”, ông Tước cho hay.
Ông Tước cho biết, năng suất khoai lang đợt này của bà con rất khá, ước chừng 1 công thu được từ 50 - 60 tạ. Nếu giá 430.000 đồng/tạ như lúc trước Tết thì bà con kiếm được vài triệu đồng 1 công chứ không nhiều. Nhưng đó là với những hộ có đất nhà, còn những hộ đi thuê đất thì giá 430.000 đồng cũng đã lỗ. “Giá phải tầm 500.000 đồng/tạ trở lên thì bà con mới phấn khởi được”, ông Tước nói.
Cũng như ông Tước, hàng ngàn hộ dân trồng khoai lang tím ở H.Bình Tân đang đứng ngồi không yên trước thông tin dịch bệnh viêm phổi do coronavirus gây ra, khiến cho giá khoai lang rớt thê thảm. Ngặt nỗi, với khoai lang tím thị trường tiêu thụ chủ yếu lâu nay vẫn là Trung Quốc, còn trong nước thì lại rất khó để tiêu thụ.
“Mà khoai lang cũng không thể trữ lại trong kho quá lâu được, chỉ tầm 1 tháng là phải xuất đi nếu không thì khoai sẽ mọc mầm. Mà kho nào trữ được hết sản lượng của bà con, chi phí trữ kho cũng tốn kém lắm vì phải chạy máy lạnh”, ông Tước nói về những khó khăn đối với củ khoai lang tím.
Nông dân trồng thanh long ở Long An và Tiền Giang chịu ảnh hưởng nặng nề khi không xuất được sang Trung Quốc - Ảnh: Thanh Nguyên
Không chỉ khoai lang mà trái thanh long ở miền Tây cũng đang gặp khó khăn khi bị “bít đường” sang Trung Quốc vì dịch bệnh do coronavirus đang hoành hành ở nước này. Mới đây, 23 nhà kho mua trái thanh long ở Tiền Giang và Long An vừa tổ chức cuộc họp để bàn cách giải cứu trái thanh long của 2 tỉnh này khi thời gian qua không xuất sang được Trung Quốc.
Phần lớn khách hàng ở Trung Quốc đều không nhận thanh long do các quy định về hạn chế đi lại và đóng cửa một số cửa khẩu nhằm ngăn chặn sự lan rộng của coronavirus. Để giải quyết tình trạng này, 23 nhà kho ở Long An và Tiền Giang đi đến thống nhất, từ ngày mùng 3 đến mùng 10 tết, tức từ ngày 27.1 đến ngày 3.2, không nhận thanh long của thương lái và nông dân mà các nhà kho đã đặt cọc thu mua trước đó.
Giải pháp tạm thời mà các nhà kho ở Tiền Giang và Long An đưa ra là sẽ hỗ trợ cho thương lái và nông dân (đã ký hợp đồng bán sản phẩm trước đó và có thời gian thu hoạch từ ngày 27.1 đến 3.2) 5.000 đồng/kg thanh long. Khi có thông tin mới về tình hình tiêu thụ thanh long ở Trung Quốc cũng như dịch bệnh, các nhà kho sẽ thông báo nhanh cho thương lái và nông dân được biết.
Hết thời hoàng kim mít Thái
Thê thảm hơn nữa là giá mít Thái, trước Tết Nguyên đán, giá mít còn giữ ở mức hơn 30.000 đồng/kg, nhưng từ 26 Tết, giá mít tuột dốc không phanh còn 5.000 - 9.000 đồng/kg. Chị Hồ Thị Lành, thương lái mua mít ở xã Tân Phong, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết, 1 ngày chị thu mua đến vài tấn mít nhưng hiện không có đầu ra, mít đành trữ trong kho. “Tôi cũng bị ảnh hưởng nhưng tội hơn hết là nông dân trồng mít”, chị Lành nói.
Mấy năm qua là thời hoàng kim của mít Thái khi giá mít luôn cao ngất ngưỡng. Do thời gian trồng ngắn, công chăm sóc ít nên bà con nhiều nơi ở miền Tây mạnh dạn xuống tay trồng giống mít này. Mít Thái được chi làm 3 loại, từ 9 kg trở lên là loại 1; 7 - 9 kg là loại 2; dưới 7 kg là loại 3. Những trái mít có giá vài trăm ngàn là chuyện bình thường khiến bà con phấn khởi.
Mít Thái hết thời hoàng kim khi giá tuột dốc không phanh - Ảnh: Thanh Nguyên
Vậy mà thời điểm này, giá mít đã rớt thê thảm, lại không có đường xuất khẩu sang được Trung Quốc khiến bà con vô cùng hoang mang. “Không biết khi nào con coronavirus mới được khống chế, cho xã hội bình yên, cho giá mít cao trở lại”, 1 nông dân trồng mít ở huyện Cai Lậy thở dài ngao ngán.
Thời điểm Tết Nguyên đán hàng năm, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc rất sôi động, với những mặt hàng như trái cây, nông sản. Nhưng do diễn biến phức tạp của coronavirus, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, một số cửa khẩu của Trung Quốc tiếp giáp các tỉnh phía bắc nước ta đã đóng cửa không giao dịch.
Điều này khiến cho hàng ngàn tấn nông sản, trái cây của nước ta khi đến cửa khẩu buộc phải quay đầu về. Một số hàng hóa có thể dự trữ được thì giữ lại, còn một số khác phải tự tìm cách tiêu thụ trong nội địa.
Ngành chức năng kêu gọi các doanh nghiệp chủ động tự ứng cứu chứ không thể chờ cửa khẩu mở cửa trở lại vì không thể đảm bảo sức mua cũng như nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ vẫn như trước. Trong khi đó, coronavirus gây bệnh viêm phổi vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa hay chữa trị.
Thanh Nguyên