Việt kiều Mỹ nhiễm coronavirus tại TP.HCM đã tiếp xúc với bao nhiêu người?
Nữ lễ tân khách sạn bị lây nhiễm coronavirus như thế nào?
Bệnh nhân thứ 2 nhiễm coronavirus chưa thể khẳng định khỏi bệnh
Việt Nam phát hiện thêm 3 trường hợp bị nhiễm coronavirus
Tổng thống Mỹ ca ngợi Việt Nam chữa trị thành công bệnh nhân nhiễm coronavirus?
Ngay từ đầu tháng 1.2020, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát tại cộng đồng, nhất là các trường hợp đi và đến từ vùng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi coronavirus (nCoV) ở Vũ Hán song song với việc giám sát tại các cửa khẩu bằng cách đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế...
Đến chiều qua, trong số 7 ca nhiễm coronavirus tại Việt Nam có đến 6 ca (trừ 1 ca ở Khánh Hòa lây nhiễm từ người đàn ông Trung Quốc đến từ vùng dịch) đến từ vùng dịch bệnh ở Vũ Hán, nhưng không một địa phương nào biết để giám sát, hướng dẫn cách ly ở cộng đồng.
Trong đó, ca đầu tiên mà Việt Nam phát hiện nhiễm coronavirus là 2 cha con người Trung Quốc là ông Li Ding (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và anh Li Zichao (28 tuổi) thì ông Li Ding đi từ vùng dịch bệnh coronavirus ở Vũ Hán đến Hà Nội vào ngày 13.1.
Dù là đến từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), nhưng ông Li Ding ở nhiều ngày tại Hà Nội, và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) không một ai trong ngành y tế ở những địa phương này giám sát, hướng dẫn cách ly để đến ngày 17.1, ông này tiếp xúc với con trai mình là anh Li Zichao rồi lây bệnh. Do đó, trong suốt thời gian từ ngày 13.1.2020 đến ngày 22.1.2020, ông Li Ding đi khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ Hà Nội đến Nha Trang, TP.HCM dù khi đó ông đã ủ bệnh coronavirus nên có thể lây truyền cho người khác.
Ngay cả 3 ca bệnh nhiễm coronavirus là người Việt Nam được phát hiện hôm 30.1.2020 (trong đó có 2 trường hợp ở tỉnh Vĩnh Phúc, 1 trường hợp ở Thanh Hóa) cũng từ vùng dịch nCoV ở Vũ Hán (Trung Quốc). Đặc biệt, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị D.(23 tuối, ngụ huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) về địa phương hôm 17.1 đã liên tục đi thăm họ hàng, bà con, bạn bè khắp nơi đến ngày 25.1 mà không một ai trong ngành y tế địa phương này biết giám sát, hướng dẫn cách ly.
Mới đây nhất là người đàn ông Việt kiều Mỹ - ông T.K.H. (73 tuổi) phát hiện nhiễm coronavirus đã quá cảnh 2 giờ đồng hồ ở vùng dịch nCoV là Vũ Hán, nhưng khi đến ở tại khách sạn Triều Hân (số 382/1-3 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP.HCM) đến 15 ngày (từ 16.1 đến 31.1.2020) cũng không một người nào của ngành y tế ở địa phương biết để giám sát, hướng dẫn cách ly.
Điều đáng nói, ông H. khởi phát bệnh từ ngày 26.1.2020 với triệu chứng sốt, ho khan, có lúc khó thở, nhưng vẫn không thấy bóng dáng của ngành y tế địa phương đến giám sát, hướng dẫn cách ly mà vẫn để ông này như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục đi nhiều nơi để gặp gỡ, giao lưu và đến ngày 31.1.2020, bệnh nhân thấy mệt quá mới nhờ nhân viên khách sạn đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị rồi phát hiện bị nhiễm coronavirus.
Giờ đây, khi phát hiện được ông H. bị nhiễm coronavirus, ngành y tế dự phòng TP.HCM cùng với chính quyền địa phương mới “chạy đôn chạy đáo” để điều tra dịch tễ thì cũng chỉ mới có được danh sách 15 người, trong đó có 7 nhân viên của khách sạn và 8 khách đang lưu trú tại đây được cho là có tiếp xúc với ông để giám sát, hướng dẫn tự cách ly. Trong khi đó, 26 người lưu trú ở khách sạn này trong thời gian ông H. ở đây vẫn chưa tìm ra và rất nhiều nơi mà ông này lui tới, tiếp xúc với người dân trong suốt 15 ngày thì ngành y tế gần như “bó tay”.
Đề cập đến những nơi mà ông H. đến gặp gỡ, giao lưu trong suốt 15 ngày đã được xác định để khoanh vùng, giám sát, hướng dẫn cách ly chưa thì ThS.BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, ngành y tế TP.HCM và địa phương đang tiến điều tra những trường hợp mà bệnh nhân H. tiếp xúc trong suốt thời gian ở khách sạn này cũng di chuyển trên địa bàn TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận rằng, trong trường hợp này việc điều tra dịch tễ là cực kỳ khó khăn, vì thực tế ông H. đi đến những nơi nào, tiếp xúc với những ai rất khó để có thể biết hết được. Việc không thể nắm được những người tiếp xúc với bệnh nhân H. để giám sát, hướng dẫn cách ly, đồng nghĩa với việc “nguồn lây” này đang “trốn” trong cộng đồng và sẽ lây lan cho người dân vào bất cứ lúc nào.
Đề cập đến vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng ở TP.HCM cho rằng vai trò giám sát trong cộng đồng hiện nay đối với các trường hợp nghi nhiễm coronavirus là rất kém. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus vai trò giám sát trong cộng đồng là quan trọng nhất, chứ không phải giám sát ở các cửa khẩu hay điều trị hiệu quả.
Hồ Quang