(HNM) - Sau gần hai năm tại nhiệm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến công du đầu tiên tới các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi nhằm nỗ lực hiện thực hóa Chiến lược châu Phi của Tổng thống Donald Trump.
Với 3 điểm dừng chân tại Somalia, Angola và Ethiopia từ ngày 16 đến 19-2, chuyến thăm của ông M.Pompeo diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang rà soát việc triển khai binh sĩ trên toàn cầu, trong đó có châu Phi nhằm tạo thêm nguồn lực để giải quyết các thách thức từ một số nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ để trở thành đối tác lớn nhất của Lục địa đen với giá trị thương mại lên tới hơn 200 tỷ USD. Nhiều nước châu Phi cũng đã tham gia sáng kiến "Vành đai và con đường" nhằm nhận được sự đầu tư của Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Năm 2018, với việc công bố Chiến lược châu Phi, Tổng thống D.Trump đã tạo nên một trang sử mới. Chủ trương gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại châu lục này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ với việc thông qua "Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển" hồi tháng 10-2018. Đây được xem là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời Tổng thống D.Trump.
Tầm nhìn mới của Mỹ tại châu Phi có thể tóm tắt là "một khu vực độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, thống trị và không nợ". Trong khi các nhà lãnh đạo châu Phi mong đợi các hành động và chính sách mạnh mẽ hơn, thể hiện sự thúc đẩy quan hệ Mỹ - châu Phi thì gần đây, chính quyền D.Trump đã có những động thái được xem là thiếu liên kết với Lục địa đen. Điều này được phản ánh trong một số chính sách mới, gồm đề xuất cắt giảm ngân sách cho các chương trình châu Phi, mở rộng lệnh cấm du lịch với gần một phần tư dân số lục địa này và có khả năng cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Cụ thể, Washington đang cân nhắc giảm hiện diện quân sự tại khu vực Sahel ở Tây Phi bất ổn và áp đặt lệnh cấm đi lại với thêm 4 quốc gia châu Phi khác, nâng tổng số lên 6 quốc gia. Ý tưởng đó khiến Pháp lo ngại các tác động xấu đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong bối cảnh này, chuyến công cán của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ là nỗ lực mới của Washington nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước châu Phi, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong các chương trình nghị sự dày đặc, Ngoại trưởng M.Pompeo đã thảo luận với các nhà lãnh đạo 3 nước về những khuyến khích cải cách kinh tế để tăng cường tiếp cận thị trường, chống tham nhũng và thúc đẩy luật pháp. Những động thái trên sẽ mang lại nhiều đầu tư từ Mỹ hơn. Đây cũng là những vấn đề đặc biệt quan trọng ở Ethiopia, khi Thủ tướng Abiy Ahmed thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế bằng cách tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Điều này cũng tương tự như với Angola, nơi Tổng thống Joao Lourenco giải quyết nạn tham nhũng và cố gắng đẩy nước này ra khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào xuất khẩu dầu mỏ. Ông M.Pompeo cũng khẳng định, Mỹ sẽ phối hợp với Senegal cùng các nước Tây Phi khác để đối phó với mối đe dọa đang gia tăng của bạo lực cực đoan.
Ước tính đến năm 2030, châu Phi sẽ có 1,7 tỷ dân với tổng chi tiêu tiêu dùng và chi phí kinh doanh là 6.700 tỷ USD. Đây là những cơ hội to lớn giúp các tập đoàn của cả Mỹ và châu Phi phát triển. Do đó, theo các nhà phân tích, để có thể cạnh tranh ảnh hưởng tại châu lục này, Mỹ cần đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc giải quyết các thách thức về an ninh và tình trạng chưa thật sự ổn định của Lục địa đen.