(HNMO) - Ngày 4-2, Nhật Bản thông qua các dự luật kêu gọi doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Đất nước Mặt trời mọc đang nỗ lực giảm tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong bối cảnh các chi phí an sinh xã hội ngày một tăng.
Các doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 5 phương án gồm: Tăng tuổi nghỉ hưu; bỏ tuổi nghỉ hưu; cho phép người lao động làm việc quá tuổi hưu; tạo công việc cho những người đã nghỉ hưu muốn tiếp tục làm việc; bố trí công việc tại các dự án từ thiện của chính doanh nghiệp.
Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình kế hoạch lên Quốc hội với kỳ vọng các dự luật sẽ có hiệu lực kể từ tháng 4-2021. Trong tương lai, chính phủ nước này có thể sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn cần tính toán kỹ bước đi này do những lao động cao tuổi có thể đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình làm việc.
Theo Japan Times, các dự luật này là một trong những nỗ lực của Nhật Bản để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng, bên cạnh việc tạo điều kiện cho lao động nước ngoài tới quốc gia làm việc. Các dự báo cho thấy, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ thiếu 6,44 triệu lao động vào năm 2030. Theo số liệu năm 2019, quốc gia có 8,62 triệu lao động tuổi từ 65 trở lên, chiếm 13% trong tổng số 66,64 triệu lao động tuổi từ 15.