Lực lượng Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng giải cứu một con thú rừng đang mắc bẫy của "thú tặc".
Ngăn chặn... "thú tặc"
Ngày 13.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác nhận, ngay sau loạt bài phóng sự điều tra “Máu thú rừng vẫn chảy” mà Báo Lao Động khởi đăng, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Ban Quản lý rừng... đóng trên địa bàn khẩn trương giám sát chặt chẽ hoạt động ra vào rừng của người dân. Qua đó, xử lý nghiêm trường hợp bẫy thú rừng, mua bán trái phép động vật ra thị trường.
Thực tế, trong những năm vừa qua hoạt động săn bắn, bẫy thú rừng vẫn diễn ra trên khắp địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên với mức độ, quy mô khác nhau. Nhiều chủ rừng tại các địa phương phải cắt cử một số lượng lớn cán bộ, nhân viên kiểm lâm tuần tra, truy quét các đối tượng săn bắt, bẫy thú rừng trên diện rộng.
Đơn cử, ngày 27.3, tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm số 11, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Don đã dồn lượng lớn nhân lực để bí mật tuần tra, mật phục tại Tiểu khu 418.
Tại đây, lực lượng đơn vị phát hiện có một nhóm đối tượng dùng đèn pha đi săn thú rừng. Tổ tuần liền tra tiến hành vây bắt được 1 đối tượng săn bắt thú rừng trái phép. Đối tượng bị bắt tên Trần Thanh Vương (SN 1990, trú huyện Ea Súp) sử dụng khẩu súng chế tạo tại Liên Xô để đi săn.
Hiện Hạt Kiểm lâm Vườn đã thông tin, phối hợp và bàn giao đối tượng, tang vật nói trên cho Công an huyện Ea Sup để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Không riêng gì vụ việc nêu trên, thống kê của Vườn Quốc gia Yok Đôn cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng kiểm lâm của Vườn thực hiện được 4.832 lượt tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý 13 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, có 6 vụ vi phạm liên quan đến bảo vệ động vật rừng.
Lực lượng chức năng đã tịch thu, tạm giữ 12 khẩu súng tự chế, thả 1 cá thể động vật về môi trường rừng tự nhiên, tiêu hủy 45kg thịt động vật rừng, tháo gỡ được 312 bẫy thú các loại...
Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) đang quản lý hơn 20.000 hecta rừng và đất rừng. Nơi đây hiện có 1.406 loài thực vật và 574 loài động vật, trong đó có nhiều loài nằm trong "sách đỏ" cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chính sự đa dạng, phong phú về động thực vật, khiến nhiều thợ săn đã đến đây đặt bẫy săn bắt thú rừng. Thời gian qua, đã có nhiều con thú như heo rừng, chồn, nai… vướng bẫy của thợ săn và trở thành món ăn xa xỉ cho thực khách nhiều tiền.
Trước thực trạng này, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Tà Đùng phải băng qua nhiều cánh rừng, khe suối để tháo dỡ bẫy của thợ săn, bảo vệ sự sống cho thú rừng.
Thú rừng bị săn bắn, chuẩn bị lên bàn nhậu phục vụ thực khách.
"Từ năm 2020 đến nay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tháo gỡ hơn 2.000 loại dây, bẫy thú các loại, kịp thời giải cứu hàng chục cá thể động vật rừng" - ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý vườn Quốc gia Tà Đùng, cho biết.
Tương tự, hơn 3 năm qua, lực lượng bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) thực hiện nhiều đợt tuần tra, phát hiện bắt giữ, tháo gỡ tổng cộng 3.213 bẫy dây, thu 6 súng hơi, 29 súng cồn. Thông qua hoạt động giải cứu thú rừng, đơn vị thả về tự nhiên tổng cộng 81 cá thể bao gồm: khỉ, trăn, kỳ đà, culi, rùa…
Từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý vườn Quốc gia Tà Đùng đã kịp thời tháo gỡ hơn 2.000 bẫy thú các loại ở trong lâm phần do đơn vị quản lý.
Khó kiểm soát người dân săn bắt thú rừng
Theo ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý vườn Quốc gia Tà Đùng, trong các hành vi xâm hại đến rừng thì hành vi săn bắt thú rừng là khó phát hiện và ngăn chặn nhất bởi địa bàn rộng, đối tượng lại lợi dụng ban đêm ở những nơi địa bàn hiểm trở... Hơn nữa, ở các vùng đệm của đơn vị đang có nhiều bản làng của người dân tộc sinh sống trong khi điều kiện của người dân khó khăn, vẫn dựa vào rừng.
Đánh giá của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho thấy, thông qua công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, tình trạng săn bắt và mua bán thú rừng trái phép trên địa bàn đã giảm rất nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, tình trạng săn bắn, bẫy bắt, vận chuyển động vật hoang dã luôn tiềm ẩn với diễn biến, hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hiện nay, nhận thức của một số người dân còn hạn chế nên vẫn có tình trạng săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã trái phép. Phần lớn đối tượng sử dụng súng săn, bẫy thú là người đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục tập quán, đời sống còn phụ thuộc nhiều vào rừng...
Chia sẻ về khó khăn trong công tác ngăn chặn các hành vi săn bắt thu rừng, ông Phạm Tuấn Linh - Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) - cho hay, tài nguyên rừng vùng giáp ranh với đơn vị hầu như đã cạn kiệt, nên nơi đây được xem như là miếng bánh để cho "thú tặc" nhòm ngó.
Thả động vật về với rừng.
Điều đáng nói, nằm giáp ranh với Vườn Quốc gia Yok Đôn hiện có khoảng 400 chòi rẫy của người dân. Đây chính là những nguy cơ mà Vườn Quốc gia Yok Đôn thường hay bị "lâm tặc", "thú tặc"... "đột nhập" để khai thác lâm sản, săn bắt động vật trái phép.
Một điều đáng bận tâm nữa là tuyến đường Quốc lộ 14C dài khoảng 70km đã thông suốt đi qua Vườn Quốc gia Yok Đôn, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này ngày càng nhiều, lại gần với khu vực vành đai biên giới nên lực lượng kiểm lâm Vườn rất khó kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, lực lượng chức năng tại địa phương đã và đang tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm về săn bắn, bẫy bắt, mua bán, tiêu thụ các loại động vật rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp vi phạm.
Nguồn laodong.vn
Link bài gốchttps://laodong.vn/xa-hoi/kho-ngan-chan-hanh-vi-san-bat-thu-rung-o-tay-nguyen-1326972.ldo