(HNMO) - Theo giới chuyên gia cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Á và châu Âu có nguy cơ đối mặt với làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 nếu mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm, trước khi thực hiện các biện pháp trên diện rộng nhằm nhanh chóng xác định và kiểm soát được các ca nhiễm mới.
Do đó, các nhà phân tích khuyến cáo các nền kinh tế châu Á và châu Âu khi hoạch định "lối thoát" khỏi các lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ cần thận trọng và tiến hành từng bước để ngăn nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát.
Tính đến 6h ngày 14-5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 đã ở mức 4.421.198, trong đó có 297.533 ca tử vong.
Châu Âu
Ngày 13-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số bộ trưởng đã họp trực tuyến với các tỉnh trưởng và giám đốc các cơ quan y tế khu vực để tổng kết tình hình những ngày đầu dỡ bỏ phong tỏa. Ông E.Macron khẳng định sẽ liên tục điều chỉnh các biện pháp cần thiết nhằm đáp ứng tình hình thực tế và giải quyết những vấn đề nảy sinh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới với Đức cho đến ngày 15-6, dù đã có một số nới lỏng nhằm hỗ trợ cuộc sống thường nhật của những người thường xuyên phải đi qua biên giới. Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, hiện không có kế hoạch mở lại biên giới với Italia. Tuy nhiên, Chính phủ Áo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế giao thông từ ngày 15-5 và dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới với Đức từ ngày 15-6.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis cũng thông báo Séc, Slovakia và Áo có thể mở lại biên giới chung sớm nhất là ngày 8-6, qua đó cho phép người dân đi lại giữa ba nước.
Chính quyền Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới đến tháng 7 trong một động thái nhằm tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19.
Ngày 13-5, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo sẽ cho phép mở lại các nhà hàng và tiệm cắt tóc vào ngày 18-5. Ông M.Morawiecki khẳng định Ba Lan đã khống chế được dịch bệnh ở phạm vi nhất định, do đó nước này có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với nền kinh tế.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Nga cho biết, tính đến tối 13-5, nước này ghi nhận thêm 10.028 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và 96 ca tử vong tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số người mắc lên 242.271 trường hợp và tổng số người thiệt mạng lên 2.212 người.
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 13-5 thông báo, favipiravir, một loại thuốc được cho là có thể điều trị bệnh Covid-19, đã cho kết quả hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu ở nước này. 60% trong số 40 bệnh nhân Covid-19 được sử dụng thuốc favipiravir đã có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau 5 ngày. Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm lâm sàng với 330 bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5.
Châu Mỹ
Ngày 13-5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố, các gói chi tiêu nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 dù tốn kém nhưng phù hợp khi giúp Mỹ tránh được tổn hại kinh tế nghiêm trọng hơn. Phát biểu tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Chủ tịch Fed cảnh báo, nếu thời gian đóng cửa kéo dài sẽ gây "tổn hại lâu dài" tới nền kinh tế.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh tại nhiều nước châu Mỹ. Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với 1.997 ca và 353 ca tương ứng. Cùng ngày, Chính phủ Mexico đã công bố kế hoạch mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội theo 3 giai đoạn dựa theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương.
Ngày 13-5, Chính phủ Chile đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực thủ đô Santiago sau khi số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bất ngờ tăng tới 60% trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 34.381 người.
Châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 13-5, chính quyền thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc đã áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại của người dân nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 tái bùng phát sau khi địa phương này ghi nhận 6 ca mắc bệnh mới trong ngày 12-5. Thành phố có dân số trên 4 triệu người này đã đóng cửa một phần địa giới, tạm ngừng hoạt động của các tuyến xe buýt và tàu cũng như các rạp chiếu phim, phòng tập gym, quán cà phê và các địa điểm giải trí.
Ngày 13-5, New Zealand đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia và thay thế bằng giai đoạn chuyển tiếp. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare khẳng định, việc dỡ bỏ không đồng nghĩa với việc người dân ngừng cảnh giác bảo vệ mình và những người khác trước sự tấn công của vi rút SARS-CoV-2. Ông yêu cầu người dân tuân thủ các quy định trong cảnh báo dịch để duy trì những kết quả đã đạt được.