(HNM) - Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56, một trong những diễn đàn an ninh lớn nhất thế giới vừa kết thúc sau 3 ngày làm việc tại thành phố miền Nam nước Đức. Trong bối cảnh thế giới đương đầu với hàng loạt nguy cơ từ các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu hay dịch bệnh, sự kiện an ninh thường niên này vẫn chưa thể thảo luận hết mọi vấn đề nóng dù chương trình nghị sự khá dày đặc.
Sức nóng của sự kiện này được thể hiện ngay ở số lượng khách mời tham dự, với khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng, cùng đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế. Những vị khách mời đáng chú ý là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Mỹ cũng cử phái đoàn tham dự đông đảo nhất kể từ khi sự kiện này được tổ chức vào năm 1963, với sự có mặt của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng một số nghị sĩ.
Với tầm quan trọng của một sự kiện an ninh được trông đợi, hàng loạt chủ đề nổi bật đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, bao gồm căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ - Iran và nỗ lực duy trì Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) của các nước châu Âu; cuộc xung đột lịch sử giữa Israel và Palestine với việc Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi; các cuộc xung đột tại Libya, Syria; bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc; dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga; tình hình bán đảo Triều Tiên; chủ nghĩa dân tộc, dân túy nổi lên ở nhiều nơi…
Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu và gần đây nhất là sự bùng phát đáng lo ngại của dịch bệnh do Covid-19 cũng là nội dung trọng tâm của hội nghị. Những nội dung thảo luận đó được đặt trong chủ đề xuyên suốt là vai trò của các nước phương Tây với an ninh thế giới, giữa những lo ngại về việc vai trò này có nguy cơ bị đe dọa và tự suy yếu xuất phát từ những rạn nứt, mâu thuẫn nội bộ cùng sự nổi lên của các cường quốc mới.
Câu hỏi về vai trò của phương Tây và châu Âu hay cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc được các nhà lãnh đạo Lục địa già đặt ra trong bối cảnh nước Anh đã “dứt áo ra đi” khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump cũng có xu hướng giảm cam kết ở nhiều vấn đề trong quan hệ với đồng minh truyền thống và theo đuổi chính sách “nước Mỹ hàng đầu”.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp E.Macron nhận định, vai trò của phương Tây có nguy cơ bị phân tán và suy yếu khi những ưu thế về quân sự, kinh tế, công nghệ… dần suy giảm trong bối cảnh nhiều giá trị khác đang nổi lên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo lại bác bỏ quan ngại rằng xứ Cờ hoa đang rút dần vai trò trên trường quốc tế và khẳng định những lo ngại về sự suy giảm của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là thái quá. Cam kết với các đồng minh được thể hiện bằng việc Washington dự định hỗ trợ tới 1 tỷ USD cho các quốc gia Trung và Đông Âu trong “Sáng kiến ba đại dương” để thúc đẩy các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger đánh giá, thế giới ngày càng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng hơn và 3 ngày là không đủ để thảo luận về tất cả các xung đột trên thế giới. Hội nghị thường niên này tuy không phải là nơi đề ra các chính sách hay quyết định quan trọng giúp giải quyết mọi vấn đề an ninh, song lại là cơ hội thúc đẩy hợp tác, tạo khuôn khổ đối thoại, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các quốc gia, bởi những mục tiêu chung về hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững khó lòng đạt được nếu không có những nỗ lực mang tính toàn cầu.