(HNM) - Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô của Mỹ (dầu ngọt nhẹ WTI) giảm xuống mức âm, chạm đáy ở -40,32 USD/thùng (giá đặt giao hàng tháng 5-2020) rồi quay đầu lên -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch ngày 20-4. Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 6-2020 cũng giảm 43% xuống còn 11,57 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6-2020 tại thị trường London (Anh) giảm xuống còn 19,33 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2-2002.
Giới chuyên môn đánh giá, ngành công nghiệp dầu khí thế giới đang hứng chịu "cú sốc kép" khi vừa phải đương đầu với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vừa đối diện với nguy cơ khủng hoảng thừa. Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thê thảm là hợp đồng giao hàng tháng 5-2020 đáo hạn vào ngày 21-4, các nhà đầu tư phải hủy hoặc bán tống, bán tháo hợp đồng giao dầu tháng 5 để cắt lỗ, tránh phải nhận dầu thực tế. Trong khi đó, rất ít khách hàng mua dầu giữa lúc nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh do các hoạt động đi lại, sản xuất, thương mại… bị đình trệ bởi các lệnh phong tỏa. Với các công ty sản xuất, việc bán được dầu và trả tiền cho người mua sẽ rẻ hơn nhiều so với việc phải ngừng sản xuất hay tìm kiếm kho bãi mới.
Một lý do khác là thị trường dầu mỏ đang dư thừa. Hiện nay, các công ty lọc dầu đều đang xử lý dầu thô với công suất thấp hơn bình thường, khiến hàng trăm triệu thùng dầu thô bị đẩy vào kho. Một số nhà buôn thậm chí phải thuê thêm tàu neo đậu chỉ để chứa dầu thừa. Hiện tại, thế giới đang tích trữ khoảng 7,2 tỷ thùng dầu trong các kho trên đất liền và khoảng 1,3 tỷ thùng dầu trên các tàu chở dầu ngoài khơi.
Trước tình hình này, giới phân tích quan ngại về tương lai của các công ty thăm dò và khai thác dầu mỏ. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent giảm khoảng 60%, giá dầu WTI giảm 130%, xuống thấp hơn cả chi phí cần thiết của nhiều công ty dầu đá phiến, buộc họ phải dừng hoạt động khoan dầu. Công ty Nghiên cứu thị trường Rystad Energy dự đoán: Nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, khoảng 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản vào cuối năm 2021. Con số này sẽ tăng lên hơn 1.100 công ty trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng.
Là một trong 3 chỉ số đánh giá chính đối với giá dầu thô thế giới, việc giá dầu WTI giao tháng 5 lao dốc còn phản ảnh lo ngại về một lượng cung dư thừa sắp xuất hiện, tiếp tục gây áp lực lớn cho giá dầu. Theo các chuyên gia, sản lượng dầu thế giới hiện vào khoảng 90 triệu thùng/ngày, song nhu cầu dầu toàn cầu mới chỉ ở mức 75 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, thị trường năng lượng đã chịu sức ép suốt nhiều tháng qua vì đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga - Arab Saudi.
Mặc dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và OPEC + (gồm 14 nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài tổ chức này như Nga, Kazakhstan, Malaysia và Mexico) đã đạt thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày nhưng phải tới ngày 1-5 mới có hiệu lực.
Giá dầu “chạm đáy” được dự báo còn tái diễn nếu đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 giảm kỷ lục khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết: Giá dầu Brent giao ngay sẽ bình quân 61 USD/thùng trong 2020, thay vì 64 USD/thùng trong 2019. Báo cáo này cũng cho rằng giá bình quân của dầu WTI năm nay sẽ thấp hơn khoảng 5,5 USD/thùng so với giá dầu Brent.
Nhiều ý kiến cảnh báo 8 tuần tới là giai đoạn nguy hiểm khó lường đối với các nhà đầu tư. Do đó, các quốc gia sản xuất hoặc các nhà đầu tư có ý định mua dầu tích trữ cần thận trọng hơn vì ngoài yếu tố thế giới đang dư thừa dầu mỏ và cạn kiệt khả năng lưu trữ thì những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đang tạo thành "cú sốc kép" đối với thị trường "vàng đen".