(HNMO) - Ngày 22-4, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.016 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đảo quốc này đã vượt 10.000, lên 10.141. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Singapore ghi nhận số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 mới trên 1.000. Hơn 75% tổng số bệnh nhân tại nước này là lao động nhập cư đang sống tại các khu nhà ở tập trung.
Singapore đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1-6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-4, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, nước này cắt giảm thêm một số dịch vụ thiết yếu, giảm lưu lượng đi lại từ 20% hiện nay xuống còn 15%.
Toàn bộ số lao động nước ngoài tại 43 khu nhà ở và hơn 1.200 tòa nhà nhỏ khác sẽ dừng làm việc và ở tại chỗ, kể cả các lao động thuộc các công ty đã xin miễn trừ trước đây. Bên cạnh đó, Singapore áp dụng quy định người dân đi chợ ngày chẵn - lẻ theo số cuối của căn cước công dân tại 4 khu chợ lớn bán đồ tươi sống ở nước này, đồng thời, bắt buộc đo thân nhiệt và lấy thông tin cá nhân khách hàng tại tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm để theo dõi tình hình lây nhiễm.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết, trước khi chính thức gỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, nước này sẽ áp dụng việc thực hiện đầy đủ 6 tiêu chí gồm: Việc bảo đảm công tác kiểm soát biên giới; duy trì việc chấp hành Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO); hệ thống y tế phải giảm thiểu được thời gian tiến hành kỹ thuật tái tạo đoạn ADN; thực thi các luật bảo vệ những người có nguy cơ cao; người dân Malaysia cần thay đổi và chấp nhận tiêu chuẩn “bình thường kiểu mới” trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và Bộ Y tế Malaysia phải phối hợp với cộng đồng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại những cộng đồng dân cư có nguy cơ. Ông Noor Hisham nêu rõ 6 tiêu chí trên là điều kiện bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả bộ, ngành và người dân Malaysia. Đây là những điều kiện tiên quyết trước khi nước này tính tới phương án dỡ bỏ các hạn chế di chuyển.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố gói hỗ trợ quy mô lớn - lên tới 40.000 tỷ won (khoảng 32 tỷ USD) giúp các ngành chủ chốt của nước này tránh rơi vào khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19 và bảo vệ việc làm. Các ngành chủ chốt của Hàn Quốc chịu tác động mạnh nhất của dịch gồm: Hàng không, lọc dầu, vận tải biển, đóng tàu và sản xuất ô tô..., vốn là các ngành xương sống tạo công ăn việc làm ở nước này. Tổng thống Moon Jae-in cũng công bố kế hoạch bổ sung để bảo vệ việc làm, theo 10.000 tỷ won được chi nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với thị trường việc làm của Hàn Quốc.
Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, trên toàn lãnh thổ Nga đã ghi nhận thêm 5.236 ca mắc, đưa tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại nước này lên 57.999 ca, 513 người tử vong. Nhằm hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, Công ty Công nghệ Yandex của Nga đã mở dịch vụ miễn phí xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại vùng Mátxcơva. Ban đầu, dịch vụ này cung cấp các xét nghiệm tại nhà chỉ dành cho những người trên 65 tuổi, nhưng sẽ nhanh chóng mở cho bất cứ ai tại Mátxcơva và một số khu vực của vùng thủ đô đăng ký dịch vụ qua mạng. Quan chức phụ trách quan hệ công chúng của Yandex Sana Paritova nhấn mạnh, dịch vụ xét nghiệm này rất quan trọng để xác định những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, cũng như những người sử dụng phương tiện công cộng.
Liên quan tới tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha, ngày 22-4, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch đến trung tuần tháng 5 tới sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động vốn được áp đặt để phòng, chống dịch Covid-19. Ông sẽ đề xuất Quốc hội thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp của Tây Ban Nha đến ngày 9-5.
Tại Mỹ, ngày 22-4, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo Mỹ có thể đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ hai vào mùa đông tới và còn tệ hại hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch hiện nay vì có thể trùng với thời điểm bắt đầu mùa cúm. Cùng ngày, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ thông báo, Bộ này đã thay thế ông Rick Bright, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm phát triển các loại thuốc và vắc xin chống Covid-19 của Mỹ. Ông Gary Disbrow, cấp phó của ông Bright sẽ đảm nhận vị trí quyền lãnh đạo BARDA.
Tính đến 19h ngày 22-4, toàn thế giới đã có 2.576.099 người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó 178.677 đã người tử vong.