(HNM) - Đầu tư công nên đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đây là khuyến nghị vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước phục hồi nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.
Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ sụt giảm 4,5% trong năm 2020, đe dọa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Số liệu về tình hình thị trường lao động cho thấy, tình trạng thất nghiệp trong quý III có dấu hiệu giảm nhiệt so với quý II tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, song vẫn còn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc các vấn đề tài chính của IMF Vitor Gaspar, ngay cả trước đại dịch, đầu tư công trên toàn cầu cũng đã ở mức thấp trong một thập kỷ qua, nhất là về xây dựng cầu đường ở các nền kinh tế tiên tiến. Hiện tại, đây là thời điểm cần đầu tư khi nhiều nước vẫn đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và người lao động thất nghiệp do mất việc làm. Theo phân tích của IMF, việc tăng đầu tư công thêm 1% GDP ở các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển có thể dẫn tới đầu tư tư nhân tăng 10%, GDP tăng 2,7%, tạo ra 7 triệu việc làm trực tiếp và từ 20 triệu đến 33 triệu việc làm tổng thể khi xem xét các tác động kinh tế vĩ mô trực tiếp trong ngắn hạn và gián tiếp trong dài hạn. Cũng theo ước tính của IMF, sẽ có 2-8 việc làm được tạo ra khi đầu tư 1 triệu USD cho hạ tầng truyền thống và 5-14 việc làm được tạo ra khi đầu tư 1 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và công nghệ xanh.
Giới phân tích cho rằng, chính phủ các nước nên nắm bắt cơ hội lãi suất thấp để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch và chuyển hướng sang năng lượng xanh. Tổng Giám đốc khu vực châu Á của tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re) Russell Higginbotham nhận định, trong những năm tới, châu Á sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Theo sau là khu vực châu Phi và châu Âu, còn chi tiêu ở Mỹ Latinh sẽ tụt lại ở mức 2,3% GDP. Nhiều quốc gia đã cam kết tăng cường đầu tư công, trong đó Anh lên kế hoạch đẩy mạnh chi tiêu với mức tăng 1% thu nhập quốc dân. Hôm 5-10 vừa qua, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cũng đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá gần 14 tỷ USD vào lĩnh vực hạ tầng và năng lượng, nhằm tái kích hoạt nền kinh tế đang chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch.
Chương trình giám sát tài khóa của IMF chỉ ra, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, bao gồm đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và giải quyết biến đổi khí hậu có thể mang lại lợi ích nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, các dự án đầu tư có thể cần thời gian để thực hiện và chứng minh hiệu quả. Do đó, để bảo đảm công ăn việc làm trong tương lai gần, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến khích bảo trì cơ sở hạ tầng hiện có, song song với việc xem xét kỹ lưỡng các dự án đình trệ trong thời gian qua. Đối với một số nền kinh tế, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn do điều kiện tài chính eo hẹp. Các quốc gia có thể cần phân bổ lại chi tiêu hoặc tăng thêm nguồn thu cho các khoản đầu tư ưu tiên, còn các nước nghèo hơn sẽ cần tới sự hỗ trợ, tài trợ của cộng đồng quốc tế.