(HNM) - Sau nhiều lần trì hoãn, Chính phủ Cuba cho biết sẽ hợp nhất hệ thống tiền tệ gồm hai đồng tiền là đồng peso nội tệ (CUP) và đồng peso chuyển đổi (CUC) từ tháng 1-2021, qua đó loại bỏ hệ thống tiền tệ kép (hai đồng tiền tồn tại song song) trong gần 30 năm qua. Kế hoạch cải tổ này sẽ giúp đảo quốc Caribe thực hiện những bước đi cần thiết trong quá trình cập nhật mô hình kinh tế.
Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình tối 10-12 (giờ địa phương), Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thông báo kể từ ngày 1-1-2021, chính phủ nước này sẽ bắt đầu quá trình cải cách tiền tệ, đồng thời công bố thiết lập tỷ giá hối đoái 24 peso nội tệ cho 1 USD. Chủ tịch M.Diaz-Canel khẳng định kế hoạch cải tổ hệ thống tiền tệ là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất mà đảo quốc Caribe này phải đối mặt trong trật tự kinh tế và thậm chí càng khó khăn hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19, cũng như lệnh cấm vận ngày càng siết chặt. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Cuba, bước đi này sẽ tăng cường lợi ích lao động, tăng năng suất và tạo thuận lợi cho lĩnh vực kinh doanh.
Kể từ năm 1994 tới nay, người dân Cuba phải sử dụng hệ thống tiền tệ kép - lưu hành song song hai loại tiền, nhằm bảo vệ nền kinh tế vốn rất mong manh của mình trước bất kỳ tác động bất thường nào từ bên ngoài, sau khi nước này mở cửa nền kinh tế cho du lịch và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên sự tồn tại song song của hai đồng tiền này đã tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo giữa đại bộ phận người dân Cuba với một số ít người được tiếp cận với đồng tiền của ngành Du lịch.
Được gắn với đồng USD, CUC có giá trị gấp 24 lần đồng CUP. Quan trọng hơn, đây là đồng tiền duy nhất được chấp nhận tại nhiều cửa hàng, siêu thị cũng như các giao dịch ngoại hối. Điều này tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa những người làm việc trong ngành Du lịch với đại bộ phận dân chúng còn lại phải nhận lương bằng đồng CUP. Việc tồn tại song song hai đồng tiền cũng gây ra những hiệu ứng kỳ lạ trong xã hội Cuba. Một người bồi bàn hay nhân viên lau dọn khách sạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn cả một bác sĩ hay luật sư được trả lương bằng đồng CUP, do họ được nhận "tiền típ" từ khách nước ngoài bằng đồng CUC.
Ngoài việc thống nhất tiền tệ, hệ thống hối đoái phức tạp cũng được điều chỉnh. Những đồng tiền trên được trao đổi ở nhiều mức giá khác nhau: 1 peso đổi 1 CUP cho các doanh nghiệp nhà nước, 24 peso đổi 1 CUC đối với người dân, bên cạnh những mức trao đổi khác dành cho các liên doanh, tiền lương trong đặc khu kinh tế và các giao dịch giữa các nông dân và khách sạn. Vì vậy, quyết định loại bỏ đồng CUC và ấn định lại tỷ giá hối đoái với đồng bạc xanh được coi là cuộc cải cách tiền tệ quan trọng của quốc đảo này.
Kế hoạch loại bỏ hệ thống tiền tệ kép đã được Chính phủ Cuba đưa ra lần đầu tiên vào năm 2003, nhưng liên tục bị trì hoãn. Hiện tại, các nhà chức trách Cuba đã quyết định triển khai việc hợp nhất hai đồng tiền đang lưu hành song song, bất chấp mối lo ngại về cú sốc đối với nền kinh tế.
Với quyết định mới, các doanh nghiệp nhà nước Cuba, vốn chiếm tới 85% nền kinh tế và nhận được tỷ giá ưu đãi 1 peso đổi 1 USD - sẽ phải đối mặt chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá tăng. Bù lại, họ cũng sẽ được xuất khẩu nhiều hơn, một điều chưa từng xảy ra trước đây. Hơn nữa, việc Chính phủ Cuba điều chỉnh tỷ giá và trợ cấp cơ bản là nhằm kích thích xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo các nhà phân tích, có thể cuộc cải cách sẽ gây ra những khó khăn trong ngắn hạn cho người dân Cuba, song sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn, bởi việc tồn tại nhiều tỷ giá sẽ khiến nền kinh tế khó vận hành.