(Ảnh minh họa của: ĐTC)
Đó là lưu ý của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đối với vùng Nam bộ khi triển khai vụ Đông Xuân 2019-2020.
Nhận định khả năng thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 đã được các cơ quan chuyên môn dự báo từ rất sớm. Thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao hơn vẫn có nhiều khả năng xảy ra do thiếu nước từ thượng nguồn. Trước thực trạng trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống sớm, từ ngày 10-30/10 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ gồm vùng ven biển Nam bộ các tỉnh: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Xuống giống đợt 1 từ ngày 1/11 đến 30/11 cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, khoảng 700.000ha. Xuống giống đợt 2 từ ngày 1/12 đến ngày 31/12 cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 400 nghìn ha. Một số vùng xuống giống Đông Xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2020 những diện tích lúa còn lại.
Đối với vùng Đông Nam bộ, Cục Trồng trọt khuyến cáo: đợt 1- Đông Xuân sớm, xuống giống tháng 10 đến đầu tháng 11 với diện tích gieo sạ ước khoảng 10.000 ha gồm: Tây Ninh, Bình Phước; đợt 2 - Đông Xuân chính vụ, xuống giống đầu tháng 11 đến tháng 12 với diện tích gieo sạ ước 35.000ha, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai; đợt 3 là Đông Xuân muộn, xuống giống cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau. Diện tích gieo sạ ước 25.000ha gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cục Trồng trọt lưu ý, vụ Đông Xuân 2019-2020, về thời vụ sản xuất phải chỉ đạo sát sao lịch xuống giống tập trung, né tránh rầy theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ của Cục Bảo vệ Thực vật nhằm phòng ngừa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bố trí thời vụ cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất.
Việc chủ động xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ đối với các tỉnh ven biển. Đồng thời, đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn của vùng phù sa ngọt.
Bên cạnh đó, cần sử dụng giống lúa xác nhận, ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu theo cơ cấu giống chung trong toàn vùng và tính phù hợp của từng địa phương. Trong đó, cơ cấu giống lúa nếp không được tăng để tránh rủi ro về thị trường tiêu thụ khi cung vượt cầu. Chú ý việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn.
Thường xuyên thăm đồng, theo dõi và phòng chống sâu bệnh hại kịp thời, nhất là các đối tượng rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, bạc lá./.