Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, sáng 30/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Trà bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với các nhận định, đánh giá được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Đó là những kết quả quan trọng, toàn diện, đạt được là rất ấn tượng, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức cũng như tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Tuy nhiên, ĐB Trà chỉ ra vẫn còn hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống. Theo ĐB Trà, đây vừa là hạn chế, tồn tại, cũng chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành, đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Trà (Phú Yên) phát biểu tại Hội trường.
ĐB Trà nêu lên, nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung còn mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các luật, giữa các điều trong một luật, chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao. Luật được ban hành nhưng vẫn phải chờ có nghị định và thông tư hướng dẫn, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu vận dụng khác nhau, bị lợi dụng và cố tình lách luật.
Từ những phân tích trên, ĐB Hoàng Văn Trà đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đầu tư hơn cả về nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành và cũng cần có quy định rõ cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và cả chế tài xử lý vi phạm trong quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu, khả thi để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ, thu hút được những người có bản lĩnh, trí tuệ, có tâm, có tầm vào khu vực công.
“Cần có cơ chế, chính sách khung pháp lý để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được trọng dụng, có môi trường tốt để hoạt động, sáng tạo và yên tâm làm việc, cống hiến”, ĐB Trà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng lưu ý những bất cập, những chồng chéo trong hệ thống pháp luật trong báo cáo đã nêu ở đâu, như thế nào thì chưa được các cơ quan chức năng quan tâm chỉ rõ, nhất là việc phải điều chỉnh, sửa đổi để tháo gỡ kịp thời thì chưa được quan tâm đúng mức.
ĐB bày tỏ lo ngại tinh thần kiến tạo, đổi mới trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, những cái mới thì ngại ngùng, ngại tiếp cận triển khai. Tình trạng các vụ việc được chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang qua lại nhiều lần, nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa có lời giải...
“Thực trạng này đang là lực cản lớn cho sự phát triển ở nước ta hiện nay, cần nghiêm túc để nhìn nhận và có giải pháp quan tâm để khắc phục, tạo được sự đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến tận cơ sở”, ĐB Hiền nói.
Đồng thời, ĐB Hiền cho rằng, cùng với việc cần tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của cơ sở, kịp thời rà soát, điều chỉnh ngay những bất cập, chồng chéo trong một văn bản pháp lý luật.
“Cần phải có các cơ chế, chính sách để khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ngay cả khi do yêu cầu nhiệm vụ họ có thể chưa thực hiện đúng những quy định hiện tại nhưng đem lại hiệu quả cao, được xã hội và nhân dân ghi nhận” - ĐB Hiền mạnh dạn đề xuất./.