(HNM) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa kết thúc chuyến công du tới 3 quốc gia châu Phi là Algeria, Tunisia và Marocco. Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh, đồng thời tìm giải pháp ngăn chặn những mối đe dọa về an ninh từ các tổ chức cực đoan.
Đây là chuyến công du đầu tiên đến châu Phi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper kể từ khi nhậm chức. Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Tunisia, Algeria và Marocco, ông M.Esper đã tập trung trao đổi về cách thức tăng cường hợp tác chống lại các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Al-Qaeda tại Libya và ký các thỏa thuận hợp tác quân sự.
Trong thập kỷ qua, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Tunisia đã hợp tác ngày càng chặt chẽ, đặc biệt trong đào tạo chống khủng bố và bảo đảm an ninh dọc biên giới của quốc gia Bắc Phi, nơi các nhóm thánh chiến hoạt động mạnh. Năm 2015, Mỹ xác định Tunisia là đồng minh chính ngoài tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung.
Marocco là nơi tổ chức cuộc tập trận “Sư tử châu Phi” hằng năm dưới sự dẫn dắt của Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) thuộc quân đội Mỹ. Chuyến thăm lần này, Bộ trưởng M.Esper đã ký một thỏa thuận quân sự nhằm tăng cường hợp tác giữa Washington và Rabat.
Khác với Tunisia và Marocco, hai đồng minh lâu năm của Mỹ, Algeria không có nhiều mối quan hệ với quân đội Mỹ. Vì vậy, việc cải thiện mối quan hệ quân sự giữa Algeria và Mỹ là điều hai bên đều mong muốn sau chuyến công du của người đứng đầu Lầu Năm Góc. Đây cũng là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Algeria sau gần 15 năm, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng tại quốc gia này.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Algeria chỉ huy một quân đội lớn với khoảng 130.000 nhân viên, chi khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng và là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới. Hiện Nga và Trung Quốc là hai cường quốc cung cấp thiết bị quân sự cho Algeria, thế nên Washington không thể bỏ qua thị trường tiềm năng này.
Trên thực tế, Mỹ bắt đầu mở rộng sự hiện diện tại châu Phi trên quy mô lớn kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, với mục tiêu chính là ủng hộ cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan (quân khủng bố Shebab ở Somalia, Boko Haram xung quanh khu vực hồ Tchad hay Al-Qaeda tại Sahel) và chống cướp biển (vùng Vịnh Guinea và vùng Sừng châu Phi).
Năm 2007, Tổng thống Mỹ George W.Bush cho thành lập AFRICOM, có trụ sở tại Stuttgart (Đức). Châu Phi là địa bàn thứ hai cho các chiến lược của Mỹ sau Trung Đông. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, châu Phi không còn được Washington ưu tiên như các chính quyền tiền nhiệm. Trong khi đó, những năm gần đây, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi. Diện mạo trong khu vực cũng vì thế bắt đầu thay đổi trên phương diện hợp tác an ninh - quân sự.
Năm 2018, Tổng thống D.Trump đã công bố chiến lược “châu Phi thịnh vượng”, nhằm thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực nhưng đến nay, chính quyền của ông D.Trump chỉ đưa ra một vài tuyên bố về Lục địa đen. Giới phân tích cho rằng, Washington gửi đi các tín hiệu mâu thuẫn nhau. Đó là một mặt thì khuyến khích thương mại và đầu tư với khu vực nhưng mặt khác lại mở rộng lệnh cấm đi lại, xem xét giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Phi.
Hồi tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm 3 nước Senegal, Angola và Ethiopia trong nỗ lực khởi động lại chiến lược “châu Phi thịnh vượng”. Và, chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng M.Esper lần này cũng không ngoài mục đích khôi phục, thúc đẩy chiến lược nhằm duy trì các lợi ích của Mỹ tại châu Phi.