Theo nội quy, quy định của nhà trường do bà Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Dung đề ra: muốn xin nghỉ việc thì phải báo trước 1 tháng, nhưng phải có người thay thế mới được nghỉ. Còn nếu nghỉ ngang là đồng nghĩa không lương và phải bồi thường 2 triệu đồng/hợp đồng.
Nếu giáo viên vào dạy không đủ tháng, tự ý nghỉ ngang là không có tiền lương; giáo viên xin nghỉ phép nếu không được đồng ý mà tự nghỉ thì 1 ngày nghỉ bị trừ lương 3 ngày. Bà cũng cấm giáo viên không lấy số điện thoại phụ huynh và cũng không đưa số điện thoại giáo viên cho phụ huynh; giáo viên không đổ rác, tắt đèn, quạt, vệ sinh phòng… bị phạt 10.000 đồng/lỗi…
Theo phản ánh của các giáo viên, bảo mẫu của trường mầm non tư thục Bi Bo, một khi giáo viên đã lỡ bước chân vào trường là dính bẫy của bà hiệu trưởng này. Đa phần khi nhận vào dạy không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định, để khỏi phải đóng bảo hiểm. Nhưng khi người lao động có ý định xin nghỉ việc hoặc đòi tiền lương thì bà hiệu trưởng mới mời ký HĐLĐ, nói rằng để hợp thức hóa, làm thủ tục... rồi mới trả lương.
Nhưng những ai lỡ nhẹ dạ cả tin ký thì sau đó bà hiệu trưởng dựa vào HĐLĐ đã ký đòi bồi thường ngược lại bởi theo HĐLĐ, có điều khoản nếu nghỉ ngang phải bồi thường cho trường 2 triệu đồng!
Một giáo viên bức xúc cho biết, trường hợp cô nghỉ việc đúng quy định, nhưng khi đòi tiền lương, bà Dung kêu ký HĐLĐ rồi mới trả. Theo giáo viên này, đây là cách của bà Dung, vì có “bảo bối” trong tay, bà hiệu trưởng này trở mặt quay ra đòi bồi thường thiệt hại theo HĐLĐ, nếu ai làm căng lại thì bà giở trò… trả dần.
Cụ thể, giáo viên này dạy ở trường được 45 ngày, tiền lương 3 triệu đồng/tháng. Cô cho biết hoàn cảnh khó khăn, là sinh viên mới ra trường, một mình xoay xở mưu sinh giữa thành phố, có lần trong người chỉ còn 30.000 đồng, nhưng đến trường lấy lương, năn nỉ ỉ ôi khan cả cổ bà Dung chỉ trả 200.000 đồng. Tổng cộng số tiền lương đến nay, bà Dung mới trả được 1,2 triệu đồng, số tiền thiếu lại hứa lần hứa lượt, chưa biết khi nào trả!
Nội quy Trường mầm non tư thục Bi Bo - Ảnh: Thanh Bảo
Một giáo viên khác thì phản ánh, cứ nghĩ môi trường dạy học ở trường này tốt nên khi được tuyển vào dạy liền đồng ý ký HĐLĐ 6 tháng. Cô là trường hợp may mắn được ký HĐLĐ ngay khi vào làm. Nhưng chính HĐLĐ này đã ràng buộc cô trụ lại trường hơn 1 năm qua dù bản thân không muốn, nhưng lực bất tòng tâm, mãi đến gần ngày hộ sinh mới nghỉ được, còn tiền lương bị giam lại.
Qua trao đổi với PV, bà Dung cho rằng nhà trường làm đúng theo quy định, nội quy của trường đề ra. Tất cả các giáo viên trước khi tuyển vào dạy đã được phổ biến, quán triệt, và tất cả đồng ý.
Tuy nhiên, các giáo viên ở đây thắc mắc rằng nội quy, quy định của trường này có được thông qua cơ quan chức năng chủ quản nào thẩm định lại không?. Qua tìm hiểu của PV, còn nhiều giáo viên, bảo mẫu bị bà Dung chiếm tiền lương. Trong số này, đa phần là những giáo viên mới ra trường, người dân tộc Khơ Me, ở vùng nông thôn, vốn sống còn hạn chế, hoặc không dám tố giác vì sợ ảnh hưởng đến tìm việc làm sau này…
Trường mầm non tư thục Bi Bo đưa vào hoạt động nhiều năm qua, nhưng có ít giáo viên nào trụ lại trường trong suốt thời gian ấy. Việc giáo viên, bảo mẫu vào làm một vài ngày, một vài tuần, một vài tháng… rồi phải nghỉ việc diễn ra thường xuyên, vì công việc rất cực khổ. Nhưng đa phần số giáo viên, bảo mẫu này không được trả lương, tiền công, đã gây uất ức, bất bình nhưng tất cả đều ngậm bồ hòn làm ngọt.
Thanh Bảo