Trên quỹ đạo thấp tức ở độ cao từ 180 - 20.000km, các vệ tinh sẽ bay xung quanh Trái Đất để duy trì độ cao và cần 90 phút để hoàn thành 1 quỹ đạo. Khi một vệ tinh khuất nơi chân trời, nó sẽ chuyển tiếp việc phát tín hiệu lại cho vệ tinh tiếp theo sau. Càng nhiều vệ tinh thì vùng phủ sóng càng lớn và đảm bảo tính liên tục. Và trong kế hoạch đệ trình lên FCC, Amazon cho biết vệ tinh của họ sẽ hoạt động ở độ cao từ 590 - 630km.
Dự kiến, các vệ tinh mang tên Kuiper của Amazon sẽ cung cấp kết nối internet băng thông rộng cho hàng chục triệu người dùng và doanh nghiệp hiện chưa có điều kiện truy cập một cách thoải mái. Jeff Bezos từng chia sẻ thông tin rằng dự án vệ tinh Kuiper sẽ tiêu tốn nhiều tỉ USD.
Amazon tuyên bố: Đây là một dự án dài hạn, hướng tới phục vụ hàng triệu người đang thiếu quyền truy cập cơ bản vào internet băng thông rộng. Trong kế hoạch trình lên FCC, Amazon cho biết họ sẽ cung cấp kết nối internet băng thông rộng, tốc độ cao, ổn định tới người dân Mỹ ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, Kuiper có thể giúp các nhà mạng di động mở rộng dịch vụ không dây, cũng như hứa hẹn mang lại kết nối băng thông di động chất lượng cao cho máy bay, tàu biển và các phương tiện đường bộ.
Amazon còn trích dẫn nghiên cứu của FCC cho thấy, khoảng 21 triệu người Mỹ thiếu kết nối băng thông rộng cố định và 33 triệu người không thể truy cập dịch vụ di động tốc độ cao. Trên toàn thế giới, 3,8 tỉ người vẫn chưa có dịch vụ internet băng thông rộng nhanh và đáng tin cậy.
Với động thái này, Amazon của người sáng lập kiêm CEO Jeff Bezos dường như đã sẵn sàng thách thức hạm đội vệ tinh internet SpaceX của tỉ phú Elon Musk.
Trước đó, FCC đã phê duyệt cho gần 13.000 vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo thấp của Trái Đất, bao gồm 11.943 vệ tinh của SpaceX được phóng vào tháng 5.2019.
Theo Bloomberg