(HNMO) - Dữ liệu thống kê ngày 1-8 cho thấy, hơn 1.000 đám cháy rừng tại Amazon được ghi nhận vào ngày 30-7. Điều này khiến các nhóm hoạt động môi trường lo ngại tình trạng cháy rừng nghiêm trọng sẽ lặp lại như hồi năm 2019.
Theo hãng tin tức Reuters, số vụ cháy rừng tại Amazon trong tháng 7 vừa qua đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu chính thức của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (Inpe) cho thấy, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới oằn mình trước sự tàn phá của 6.803 vụ cháy chỉ tính riêng tháng 7, tăng 1.485 vụ so với cùng thời điểm năm 2019.
Ngoài ra, con số hơn 1.000 vụ cháy trong ngày 30-7, mức cao nhất từng được ghi nhận trong một ngày cùng tháng kể từ năm 2005, làm dấy lên những lo ngại rằng tình trạng cháy rừng tại Amazon sẽ càng trở nên nghiêm trọng trong tháng 8.
“Đó là một dấu hiệu tồi tệ. Chúng tôi dự đoán tháng 8 sẽ rất khó khăn và tháng 9 sẽ là thời điểm tồi tệ nhất”, Giám đốc Khoa học Ane Alencar tại Viện Nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM) của Brazil, lo ngại.
Trước tình trạng Amazon bị thiệt hại nặng nề bởi nạn cháy rừng, các nhóm hoạt động môi trường đổ lỗi cho Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì đã thờ ơ với nạn khai thác gỗ trái phép, cho phép hoạt động khai thác mỏ và đầu cơ đất với lý do phát triển kinh tế.
Sau khi bị quốc tế chỉ trích, Tổng thống Jair Bolsonaro đã cho phép triển khai quân đội từ tháng 5 đến tháng 11 để chống lại nạn phá và cháy rừng, đồng thời ra lệnh cấm đốt lửa trong rừng trong thời hạn 120 ngày.
Dù vậy, tổ chức phi chính phủ Amazon Conservation cho biết đã ghi nhận 62 đám cháy lớn tính đến ngày 30-7, trong đó có nhiều đám cháy xảy ra sau ngày 15-7, thời điểm lệnh cấm kể trên có hiệu lực. Điều này cho thấy, lệnh cấm này không thực sự có hiệu quả như mong đợi.