Quyền nuôi con sau ly hôn là một trong những vấn đề căng thẳng nhất trong khi thực hiện thủ tục ly hôn. Vậy, khi giành quyền nuôi con bạn cần biết những điều gì?
Hỏi: Tôi và chồng đang thực hiện thủ tục để ly hôn. Chúng tôi có 1 người con chung vậy làm sao để có thể giành quyền nuôi con sau khi ly hôn?
(Bạn đọc Kim Khánh, Hà Nội, [email protected])
Việc hiểu biết và nắm rõ các quy định pháp luật về giành quyền nuôi con là điều vô cùng quan trọng để có giải pháp tốt nhất cho vấn đề của mình.
1. Cha mẹ được giành nuôi con trong trường hợp nào?
Tòa án luôn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận của hai vợ chồng để quyết định ai sẽ là người được nuôi con. Theo đó, sau khi ly hôn, hai bên có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cha mẹ cũng xảy ra chuyện tranh giành nuôi con. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi con trong các trường hợp sau đây:
– Con chưa thành niên
– Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ngoài ra, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện tốt nhất cho con để chỉ định người được quyền nuôi con.
2. Con bao nhiêu tuổi phải hỏi ý kiến khi quyết định quyền nuôi con?
- Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì tòa án quyết định giao con cho ai phải hỏi qua nguyện vọng của con;
- Con dưới 07 tuổi thì quyền nuôi con sẽ do tòa án quyết định dựa trên lợi ích về mọi mặt của con.
- Mẹ sẽ được ưu tiên có quyền nuôi con khi tuổi con dưới 36 tháng. Chỉ khi mẹ không có đủ điều kiện để nuôi con thì quyền nuôi con mới thuộc về bố trong trường hợp này.
3. Các yếu tố Tòa án căn cứ để quyết định quyền nuôi con từ 36 tháng đến tròn 7 tuổi của vợ chồng sau khi ly hôn
Để giành được quyền nuôi con, cha/mẹ phải chứng minh được mình có khả năng mang lại cho con cuộc sống tốt hơn so với đối phương về mọi mặt gồm kinh tế, tinh thần, giáo dục. Bạn có thể tham khảo các yếu tố chính sẽ được Tòa Án xem xét sau đây:
- Chỗ ở ổn định. Bạn sẽ có lợi thế hơn khi cho con một nơi ở ổn định khi đối phương không thể.
- Thu nhập hàng tháng của bạn: bạn cần chứng minh được thu nhập hàng tháng của bạn có thể đáp ứng được nhu cầu tài chính cho con phát triển lớn khôn.
- Môi trường sống. Bạn sẽ có lợi thế hơn nếu chứng minh được môi trường sống của con khi ở cùng bạn sẽ tốt hơn vợ/chồng bạn. Bạn cần chỉ ra con được sống ở đâu sau ly hôn, con ở với ai, môi trường ở đó tốt như thế nào, bạn có thể dành cho con những tiện nghi như thế nào, việc học hành và di chuyển của con sẽ được đảm bảo ra sao.
- Thời gian làm việc của bạn. Bạn sẽ có lợi thế nếu bạn có thể dành cho con nhiều thời gian và sự chăm sóc hơn đối phương.
- Hành vi của bạn: Nếu bạn chỉ ra rằng hoạt động hàng ngày, lối sống của bạn lành mạnh có ảnh hưởng tới sự phát triển của con tốt hơn đối phương thì bạn sẽ có được lợi thế giành quyền nuôi con.
Quyền nuôi con sẽ thuộc về người có thể cho con cuộc sống tốt hơn một cách toàn diện.
Ai có quyền được nuôi con sau khi ly hôn? (Ảnh minh họa)
>>>Những thủ tục cần có khi tách hộ khẩu sau ly hôn
4. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ khi thực hiện ly hôn
Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con khi con sống với người còn lại, có nghĩa vụ cấp dưỡng và có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở.
Quyền thăm nom khi không trực tiếp nuôi con
Mặc dù không được trực tiếp nuôi con nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người này cùng với tôn trọng tình cảm cha mẹ con cái được pháp luật bảo vệ, người không nuôi con được quyền thăm nom con cái mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, không thể lấy lý do thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Khi đó, người có trách nhiệm nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom.
Cụ thể, Điều 85 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định các trường hợp sau đây sẽ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên:
– Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý
– Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
– Phá tài sản của con;
– Có lối sống đồi trụy;
– Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
5. Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Không chỉ được quyền thăm con mà người không trực tiếp nuôi nấng con cái phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để san sẻ một phần gánh nặng về tiền bạc đối với người nuôi con.
Theo đó, mức cấp dưỡng bao nhiêu sẽ do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập thực tế, khả năng tài chính của người cấp dưỡng cũng như nhu cầu chi tiêu của người con. Chỉ khi không thể thỏa thuận được, Tòa án mới áp dụng mức cấp dưỡng cho các bên.
6. Thay đổi người nuôi con sau khi Tòa có quyết định?
Quyền được trực tiếp nuôi con không phải lúc nào cũng cố định. Trong các trường hợp được quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 sau đây có thể được thay đổi người nuôi con sau khi Tòa án đã có quyết định:
– Khi cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
7. Vi phạm quy định về quyền nuôi con bị phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thì người nào có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn, giữa cha mẹ và con sau khi ly hôn thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, khi đã có quyết định của Tòa án yêu cầu cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiện bản án mặc dù có đủ điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể bị phạt tối đa 5 năm tù giam theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trên mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Null