Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, tính đến sáng 24-1, số người tử vong vì bệnh viêm phổi lạ do vi rút corona gây ra tại nước này đã tăng lên 25, trong khi 830 người nhiễm bệnh.
Tờ China Daily dẫn tuyên bố của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, cơ quan này xác nhận số người thiệt mạng vì bệnh viêm phổi do vi rút corona đã tăng lên 25 và số trường hợp nhiễm bệnh là 830 người.
Theo nguồn tin trên, trong số những ca tử vong có 24 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc và 1 ở tỉnh Hà Bắc, ca tử vong đầu tiên được ghi nhận tại một khu vực nằm ngoài tâm dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi lạ do chủng vi rút corona mới (2019-nCoV) gây ra đang lan rộng ra nhiều địa phương, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp phòng ngừa và kiểm soát để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã ban hành một kế hoạch phòng ngừa và kiểm soát, liên tục được cập nhật theo những diễn biến mới nhất của dịch bệnh. NHC cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm loại A, nhằm phòng chống hiệu quả dịch bệnh viêm phổi do vi rút corona mới gây ra.
Trước những diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh, các tổ chức nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển bộ dụng cụ thử nghiệm thuốc thử, giúp đẩy nhanh thời gian xác định bệnh.
Tại thủ đô Bắc Kinh, nhà chức trách thành phố ngày 23-1 đã hủy bỏ tất cả các sự kiện công cộng lớn chào đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 để đề phòng nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Tập đoàn đường sắt quốc gia Trung Quốc cũng đã thông báo, tất cả khách hàng sẽ được hoàn toàn bộ tiền vé trên toàn quốc từ ngày 24-1 khi hủy các vé đã đặt trước, một biện pháp nhằm khuyến khích người dân hạn chế đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, chính quyền thành phố Vũ Hán và thành phố Hoàng Cương (Huanggang) lân cận đã tạm thời dừng mọi dịch vụ giao thông công cộng trong thành phố, trong khi Bộ Giao thông Trung Quốc cũng đã hoãn mọi dịch vụ xe buýt và phà tới thành phố này. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Bắc Kinh Gauden Galea đã nhận định động thái này thể hiện mức độ cam kết cao của Trung Quốc trong phòng chống dịch bệnh và là biện pháp mạnh tay hơn cả những chỉ dẫn của WHO.
Tuy nhiên, theo đại diện WHO, giới chức sẽ phải đợi một thời gian để thấy được hiệu quả của biện pháp này. Trong một thông cáo ngày 23-1, WHO cho biết, tổ chức này chưa quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì vi rút corona.
Trong khi đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan sang nhiều nước. Ngày 23-1, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo, một y tá nước này làm việc tại bệnh viện ở Tây Nam Saudi Arabia đã bị nhiễm vi rút corona mới này.
Trên mạng xã hội Twitter, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V. Muraleedharan viết: "Khoảng 100 y tá Ấn Độ, hầu hết từ Kerala, đang làm việc tại bệnh viện al-Hayat đã được kiểm tra, và chỉ một y tá được phát hiện nhiễm vi rút corona. Y tá này đang được chăm sóc y tế tại Bệnh viện Quốc gia Aseer và đang hồi phục tốt".
Tối 23-1, truyền thông tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết đã xác nhận sơ bộ trường hợp thứ ba bị nhiễm vi rút corona mới tại đặc khu này, bệnh nhân được xét nghiệm lần thứ nhất đã có kết quả dương tính với vi rút này và đang chờ kết quả xét nghiệm lần thứ hai. Tin cho biết, một sĩ quan cảnh sát làm việc tại Phòng Giao thông vận tải Đông Cửu Long trước đó đã đến thăm vợ ở Futian, Thâm Quyến và bị sốt sau khi trở lại làm việc tại Hong Kong. Hiện bệnh nhân ở khu cách ly của bệnh viện Yan Chai và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Tại Scotland, 4 công dân Trung Quốc vừa từ Vũ Hán tới Scotland đang được kiểm tra y tế do nghi nhiễm vi rút gây chết người này. Giáo sư Jurgen Haas, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh xác nhận, trong số 4 bệnh nhân nói trên, có 3 trường hợp tại thủ đô Edinburgh và trường hợp còn lại được cho là ở Glasgow.
Chủng vi rút corona mới lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán. Ngoài Vũ Hán, dịch đã xuất hiện tại hàng chục khu hành chính cấp tỉnh trên cả nước Trung Quốc. Nhóm vi rút corona thường được tìm thấy ở chim và các động vật có vú, các chủng vi rút giống nhau về hình thái và cấu trúc hóa học.
Vi rút corona chủng OC43 và vi rút corona chủng 229E gây ra các bệnh hô hấp thông thường như cảm lạnh, cúm ở người. Cũng có những chủng gây bệnh nặng hơn như chủng corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) hay chủng gây hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).