Kênh CNN (Mỹ) ngày 14-4 (theo giờ Việt Nam) dẫn thông tin từ ông Farhan Haq, Phó Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, ba nhân viên Liên hợp quốc đã tử vong vì Covid-19 trong khi 189 người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Trước đó, trong một cuộc họp ngắn với đại diện các quốc gia thành viên trong tuần trước, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho biết, đang tồn tại một cảm giác cấp bách chưa từng thấy thúc đẩy phản ứng của Liên hợp quốc đối với đại dịch Covid-19.
"Cuối cùng, vấn đề là: Nếu Covid-19 vẫn hoạt động ở một nơi nào đó, chúng ta không thể an toàn ở bất cứ đâu. Và nếu chúng ta không đối mặt với đại dịch và hậu quả của nó cùng lúc, vi rút sẽ tiếp tục lan như cháy rừng, cướp đi sinh mạng, ảnh hưởng đến mọi người và đe dọa sự gắn kết xã hội", ông Amina Mohammed nói.
Tại cuộc họp trực tuyến thảo luận về đại dịch Covid-19, diễn ra ngày 10-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất đối với thế giới từ năm 1945 tới nay, đe dọa vấn đề duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, gây ra cú sốc lớn về kinh tế và đối với cuộc sống thường ngày của hàng tỷ người. Ông cho rằng tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa, nhất là ở các nước phát triển, các nước đang có xung đột.
Tổng Thư ký Guterres cảnh báo, đại dịch sẽ kéo theo nhiều thách thức khác, nhất là tác động tới đời sống kinh tế, chính trị tại nhiều nước, làm tình hình xung đột nhiều nơi xấu đi, gây ra tình trạng phân biệt đối xử, tác động tiêu cực tới phụ nữ, trẻ em, người di cư…
Tổng thư ký Guterres khẳng định, ưu tiên hiện nay của Liên hợp quốc là cùng các nước thúc đẩy việc ngừng bắn tại các điểm xung đột trên thế giới, huy động nguồn lực quốc tế cho việc hỗ trợ các nước, ưu tiên là hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực có nhu cầu nhất; các phái bộ Liên hợp quốc sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.