(HNMO) - Số liệu cập nhật ngày 28-1-2020 cho thấy, số ca tử vong vì vi rút corona đã tăng lên tới 106 người, trong khi số ca nhiễm đang ở mức 4.515 người. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, bệnh nhân trẻ nhất nhiễm vi rút corona là một cô bé 9 tháng tuổi tại thủ đô Bắc Kinh.
TTXVN dẫn nguồn tin từ hãng tin Xinhua (Trung Quốc) cho biết, tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục lan nhanh là bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên tại Trung Quốc đã được chữa khỏi và xuất viện tại một bệnh viện ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hôm 27-1.
Bệnh nhân nam giới này được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi do virus corona mới gây nên. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện từ Bệnh viện Đại học Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc).
Trong ngày 28-1, Đức xác nhận trường hợp bệnh nhân đầu tiên lây nhiễm tại khu vực Stanberg (thuộc bang Bayern). Tuy nhiên, người này vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt và đã được cách ly để điều trị theo phác đồ.
Trong khi đó, tới chiều 28-1, Thái Lan vẫn dẫn đầu các nước ngoài Trung Quốc khi có tới 14 ca nhiễm. Mỹ, Australia, Đài Loan và Ma Cao (Trung Quốc) đều có 5 trường hợp nhiễm bệnh. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Malaysia có 4 trường hợp. Pháp có 3 trường hợp trong khi Việt Nam và Canada đều có 2 trường hợp. Nepal, Campuchia có 1 trường hợp. Đáng chú ý, Li Zichao (28 tuổi), một trong hai bệnh nhân nhiễm vi rút corona đầu tiên ghi nhận được ở Việt Nam, đã hồi phục và cho kết quả âm tính với vi rút.
Hiện tại, chưa có ca tử vong nào liên quan tới vi rút corona được ghi nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, sức lây lan nhanh chóng của loại vi rút này cũng khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải thừa nhận việc đánh giá mức độ rủi ro "vừa phải" trên phạm vi toàn cầu trong báo cáo trước đó là "sai sót".
Tổ chức này cho biết, tình hình lây nhiễm vi rút corona rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực và cao ở cấp toàn cầu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đánh giá rủi ro không đồng nghĩa với việc WHO sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, hay đưa ra khuyến cáo nào về hạn chế đi lại hay buôn bán.
Thay vào đó, WHO chỉ kêu gọi tăng mức độ cảnh giác, trong đó có việc khuyến khích các sân bay lắp đặt hệ thống kiểm soát thân nhiệt đối với hành khách đến từ vùng dịch để phát hiện kịp thời.
Việc vi rút corona bùng phát cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế. Ngoại trừ một số sàn giao dịch chứng khoán tại các quốc gia đóng cửa trong dịp Tết âm lịch, những sàn vẫn mở cửa đều chao đảo.
Trong phiên giao dịch ngày 28-1, chỉ số chứng khoán Nhật Bản Nikkei 225 đã giảm 199,23 điểm (0,85%), hợp đồng tương lai chứng khoán Nhật Bản cũng giảm 170 điểm; chỉ số Shanghai Se giảm 84,226 (2,75%); S&P 500 giảm 51,84 (1,57%); DAX Index giảm 2,74%; FTSE 100 giảm 2,29%; thậm chí Euro Stoxx 50 Pr cũng giảm 2,68%… Theo giới chuyên môn, dòng vốn đang đổ dồn sang vàng hay USD, khiến các tài sản an toàn hơn này đều tăng giá.
Mặt khác, nguồn khách du lịch từ Trung Quốc bị ảnh hưởng cũng được đánh giá sẽ khiến nhiều nền kinh tế gặp khó trong dịp đầu năm 2020. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshi Kajiyama mới đây đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này trong bối cảnh khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng số khách du lịch tới Nhật Bản trong năm 2019.