(HNMO) - Có phương án thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt, phế thải phát sinh trong ngày, đặc biệt là rác thải phát sinh sau Tết; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các trường hợp để tồn tại và có biện pháp xử lý nghiêm, cần thiết chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp đã nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn vi phạm...
Đây là yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội tại văn bản 1007/SXD-HT ngày 5-2-2020 về đôn đốc công tác quản lý, duy trì vệ sinh môi trường sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn thành phố.
Trước đó, ngày 4-2 vừa qua, Báo Hànộimới phản ánh về tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt ở nhiều quận, huyện của Hà Nội những ngày sau Tết, gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau phản ánh của Báo Hànộimới, trong ngày 4-2, Sở Xây dựng đã tổ chức đoàn liên ngành: Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an thành phố, đại diện các quận, kiểm tra công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn hai quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm. Đây là hai trong số các quận, huyện còn tình trạng tồn đọng rác thải theo phản ánh của Báo Hànộimới.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác liên ngành ghi nhận một số tồn tại trong công tác duy trì vệ sinh môi trường tại các quận trên.
Cụ thể, tại quận Tây Hồ, điểm tập kết đối diện số 109 An Dương có tình trạng rác để dưới lòng đường chưa được thu dọn; điểm tập kết đầu ngõ 76B An Dương nhiều cành đào, rác thải để trên hè, dưới lòng đường; đường Nghi Tàm tập kết rác thải tại các điểm cửa khẩu dọc tuyến, đối diện ngõ 83, ngõ 276.
Tại quận Nam Từ Liêm tồn tại lượng lớn rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng phía trước Công ty Cao su Hà Nội (số 59 Nguyễn Văn Giáp); rác thải sinh hoạt tồn trên hè tại phố Miếu Đầm...
Chấn chỉnh tình trạng trên, để bảo đảm chất lượng duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các nhà thầu cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường nghiêm túc thực hiện tốt công tác duy trì vệ sinh môi trường theo quy định; không để tồn đọng rác thải, phế thải trong ngày, đặc biệt là rác thải phát sinh sau Tết như cành đào, cây quất, hoa... gây mất vệ sinh.
Yêu cầu ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tăng cường kiểm tra, đôn đốc đối với các trường hợp để tồn tại; có biện pháp xử lý nghiêm và cắt giảm khối lượng duy trì đối với các vi phạm thuộc trách nhiệm của nhà thầu. Các trường hợp vi phạm đã nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm cần có biện pháp xử lý, chấm dứt hợp đồng (UBND thành phố đã có chỉ đạo cụ thể tại văn bản 2143/UBND-ĐT ngày 22-5-2019).