(HNM) - Sông Nhuệ và sông Đáy hiện có nhiệm vụ quan trọng trong tiêu thoát nước lũ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do hai con sông này bị ô nhiễm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực. Trước tình trạng này, thời gian gần đây, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh, triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm cho hai dòng sông.
Nước sông ô nhiễm tác động xấu đến sản xuất
Hiện nay, mỗi ngày hàng chục nghìn mét khối nước thải, chất thải của làng nghề, hộ sản xuất, điểm công nghiệp... trên địa bàn các huyện: Hoài Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai... đổ ra sông Đáy mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào. Hậu quả là người dân sinh sống ở vùng hạ lưu phải gánh chịu ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Như Thành ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) than phiền: “Nước sông Đáy luôn ô nhiễm nên người dân không thể sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Hiện hơn 70ha rau an toàn của xã Tiền Yên đều phải sử dụng nước giếng khoan để tưới”.
Chung nỗi niềm, ông Ngô Quyết Tiến ở xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) bày tỏ: “Chúng tôi đang hằng ngày phải hứng chịu hậu quả của ô nhiễm nước sông Đáy. Vụ lúa xuân 2020, nhiều diện tích bị ngấm nước thải từ sông Đáy, lúa chậm phát triển, có nguy cơ giảm năng suất, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cây trồng”.
Về tình trạng này, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Chương Mỹ cho biết: "Theo thống kê của Xí nghiệp Thủy lợi Chương Mỹ, năm 2020 có khoảng 3.000ha lúa xuân của huyện phải sử dụng nguồn nước sông Đáy. Hiện chúng tôi chưa có nguồn thay thế”.
Tương tự, nguồn nước sông Nhuệ cũng bị ô nhiễm nặng. Kết quả giám sát cuối năm 2019 của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, nước sông Nhuệ có hàm lượng chất thải hữu cơ trong nước vượt quá giới hạn từ 2 đến 9 lần; hàm lượng amoni - gây suy giảm chất lượng nước, vượt quá giới hạn từ 0,4 đến 11 lần…
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Nhuệ Ngô Thanh Sơn, nguồn nước sông Nhuệ đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 25.000ha đất sản xuất của 9 quận, huyện của Hà Nội và 3 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam. Nguyên nhân khiến nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm do hai bên lưu vực sông có gần 800 điểm xả nước thải chưa qua xử lý thuộc các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề và hộ dân. Ngoài ra, mùa khô 2019-2020, sông Nhuệ không được bổ sung nguồn nước từ sông Hồng nên không có khả năng tự làm sạch hay pha loãng hoặc rửa trôi các chất ô nhiễm…
Thực hiện nhiều giải pháp làm sạch nước sông
Từ thực tiễn trên, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Nhuệ kiến nghị, để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và các quận, huyện cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với các địa phương xác định mức độ ô nhiễm, đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải ra môi trường. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành siết chặt công tác thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc lưu vực các sông… Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập đề án, tham mưu thành phố hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhanh chóng xây dựng công trình xử lý nước thải đầu mối, thu gom nước thải tập trung…
Trước mắt, thành phố sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các xã: Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức); Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) và các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Về lâu dài, thành phố tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông. Trong đó, đối với sông Nhuệ và sông Đáy, thành phố Hà Nội triển khai từng bước chương trình thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực sông.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị thành phố và các bộ, ngành trung ương triển khai dự án cải thiện nguồn nước các sông (Nhuệ, Đáy) bằng giải pháp xây dựng cụm công trình trạm bơm đầu mối Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) để bổ sung nguồn nước vào sông Nhuệ, tạo dòng chảy, giảm ô nhiễm; nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy giai đoạn 3; xây dựng dự án tuyến dẫn nước sông Đà vào sông Đáy qua sông Tích…
Với mục tiêu tăng cường kiểm soát, giải quyết ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố cho đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực các sông (Nhuệ, Đáy).
Hy vọng, với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tới đây tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy sẽ được cải thiện tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ở lưu vực các sông này phát triển hiệu quả hơn.