Bệnh viện xả thải không phép
Cụ thể, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa ra quyết định xử phạt bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương 200 triệu đồng do xả nước thải vào công trình thủy lợi không có giấy phép theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Lưu lượng xả thải là 500 m3/ngày đêm.
Tổng cục Thủy lợi yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh chấm dứt ngay việc xả nước thải trái phép vào hệ thống thoát nước của TP Hải Dương và đổ vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Trước đó, VTV đưa tin, thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm xả nước thải gây ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải, chiều 10/4, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường phối hợp với Tổng cục Thủy lợi phát hiện và bắt quả tang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương xả nước thải bệnh viện chưa qua xử lý ra môi trường.
Nước thải của bệnh viện không qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường (Nguồn ảnh: VTV)
-> Để mất hơn 500 ha rừng, nguyên giám đốc công ty lâm nghiệp bị khởi tố
Tại thời điểm kiểm tra, mỗi ngày bệnh viện xả ra môi trường 500 m3 nước chưa qua xử lý.
Bệnh viện có trạm xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2008 nhưng chưa hoàn thành và không hoạt động nên chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Như vậy, trong thời gian qua, một khối lượng lớn nước thải y tế chưa qua xử lý đã được xả thẳng ra môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện sau 10 năm vẫn chưa hoàn thiện (Nguồn ảnh: VTV)
Mối đe dọa khủng khiếp từ nước thải y tế
So với chất thải rắn mức độ gây ô nhiễm của nước thải y tế cao hơn nhiều lần vì tính chất phát tán rộng rãi trong môi trường nước của vi khuẩn, virus, đặc biệt là các vi khuẩn đa đề kháng.
Đặc biệt, nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống...
Như vậy, nếu việc xử lý nước thải thải y tế không đảm bảo đó sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.
Như vậy, để tránh được sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế thì ngành y tế phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xử lý chất thải y tế.
Để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế, chúng ta phải thực hiện rất nhiều các biện pháp đồng bộ, trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa đấu tranh. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng của ngành y tế mà lực lượng cảnh sát môi trường, các lực lượng khác như tài nguyên môi trường, ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền các cấp có trách nhiệm cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, sự giám sát của xã hội.
Người đứng đầu các cơ sở y tế cần lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải địa phương để xử lý tiêu hủy chất thải y tế đúng qui định. Các nhân viên y tế cần thực hiện tốt việc thu gom, phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh chất thải và lưu giữ đúng quy định.
Video: Nhiều bệnh viện lớn bị phạt vì xả thải (Nguồn: VTC1)
-> Thành phố lớn đầu tiên của Mỹ cấm toàn bộ thìa, ống hút ở nhà hàng