(HNMO) - Ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng vào những ngày đầu tháng 12-2020, đặc biệt, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng vọt về đêm và sáng sớm. Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.
- Xin ông cho biết, tại sao trong những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội luôn ở mức kém và xấu?
- Từ ngày 4 đến 11-12, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đột ngột giảm mạnh về đêm và sáng sớm. Có những thời điểm, 30/35 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở mức cảnh báo kém. Đặc biệt, từ đêm đến sáng các ngày 6, 7 và 11-12, ở các trạm đo khu vực Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thành Công, chỉ số AQI tăng lên mức cảnh báo xấu (từ 151 đến 200), ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Có 3 yếu tố chính gây ra hiện tượng này, đó là: Các chất ô nhiễm do hoạt động của giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp trong nội đô tích tụ từ chiều hôm trước không khuếch tán được; gió mùa Đông Bắc đưa bụi mịn từ bên ngoài vào Hà Nội và sự thay đổi của thời tiết.
Trong đó, sự thay đổi của thời tiết tác động rõ rệt nhất đến sự tăng - giảm chất lượng không khí trong những ngày qua. Thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại khiến bụi mịn PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi có ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm và bụi mịn mới được phát tán.
- Vậy, hiện tượng nghịch nhiệt là gì và thường xuất hiện vào thời điểm nào trong năm?
- Như trên đã phân tích, nghịch nhiệt là hiện tượng thời tiết xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới (ngược với quy luật là càng lên cao nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn cản chất ô nhiễm phát tán lên cao. Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp khí nóng phía trên nén bụi mịn và các chất ô nhiễm xuống thấp, làm nồng độ ô nhiễm đậm đặc hơn.
Hiện tượng này xảy ra hầu như ở tất cả các thời điểm trong năm, nhưng với tần suất cao là vào mùa đông và mùa xuân do đêm kéo dài và có không khí lạnh tràn về.
- Trước tình trạng ô nhiễm như vậy, thành phố Hà Nội triển khai giải pháp gì để cải thiện chất lượng không khí, thưa ông?
- Để cải thiện chất lượng không khí, trong thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, thành phố đã đầu tư lắp đặt và tiếp nhận 35 trạm quan trắc chất lượng không khí, cung cấp thông tin kịp thời chỉ số môi trường không khí để người dân dự phòng và có biện pháp bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, thành phố đã triển khai hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, chương trình như: Không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch.
Trong những ngày thời tiết hanh khô, thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường phun nước rửa đường nhiều lần trên các trục, tuyến đường giao thông chính để hạn chế bụi phát tán...
Thành phố cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị thi công công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Ông có khuyến cáo gì cho người dân khi ô nhiễm không khí tăng cao?
- Trong khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao, người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, không mở cửa sổ vào sáng sớm, đeo khẩu trang khi ra ngoài, trồng nhiều cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đặc biệt, những người có bệnh hô hấp, người già, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường về sức khỏe, người dân cần đến cơ sở y tế kịp thời. Tốt nhất, người dân nên cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên website moitruongthudo.vn để chủ động biện pháp phòng tránh hiệu quả.